Hậu trường xe đạp thế giới

Giấc mơ phá luật Omerta

Khi nói đến “luật im lặng” Omerta, người ta nghĩ ngay đến tổ chức tội phạm Mafia vốn “nhắc nhở” đồng lõa nếu “lỡ bị bắt thì đừng mở miệng khai” để chiến hữu còn yên tâm giúp đỡ, hở môi thì chỉ có chết. Nhưng với tân trưởng giải Tour de France, luật Omerta cũng được các cua-rơ trong làng ngựa sắt nhà nghề áp dụng triệt để.

Lời khẳng định của ông Christian Prudhomme được đưa ra sau khi tay đua Erik Zabel, 36 tuổi người Đức và Giám đốc thể thao Rolf Aldag của đội T-Mobile thú nhận họ từng sử dụng doping EPO khi đua cho đội Telekom, tiền thân của T-Mobile. Zabel-một trong những tay đua hàng đầu trong 15 năm qua- vừa khóc vừa nói anh sử dụng thuốc EPO năm 1996- khi còn khoác áo Telekom-nhưng ngưng sau một tuần bị phản ứng phụ, và “đó là dính doping duy nhất trong toàn sự nghiệp của tôi”. Hiện chơi cho đội Milram, Zabel nói từ đó anh luôn “sạch”.

Xe đạp đua sẽ không còn vuinếu chưa phá đổ luật Omerta.

Xe đạp đua sẽ không còn vuinếu chưa phá đổ luật Omerta.

Aldag thừa nhận doping từ năm 1995 đến năm 2002: “Trước cuộc đua Tour de France 1995, tôi bắt đầu sử dụng thuốc tăng cường sức bền EPO và sau đó tiếp tục sử dụng nó”. Ông và Zabel đều nói lý do họ sử dụng EPO là do nghĩ rằng sẽ không bị lộ và ai cũng xài doping. Telekom từng là đội mạnh với Bjarne Riis và Jan Ullrich vô địch Tour de France 1996 và 1997. Nhưng đội đang “lao đao” khi hai bác sĩ thừa nhận họ cung cấp thuốc doping có hệ thống cho các tay đua, và hai cựu cua-rơ cũng thừa nhận họ sử dụng doping, vì nếu không “nghe lời” thì không thể có thành tích cao và hậu quả là không được ký tiếp hợp đồng.   

Ông Prudhomme cũng đề nghị treo giò vĩnh viễn đối với tay đua nào “kín miệng” nhưng sau này bị phát hiện “ăn gian”, còn ai đã thú nhận thì bị treo giò 2 năm. Đây là quan điểm mạnh mẽ của Trưởng ban tổ chức Tour de France 2007 sẽ khởi tranh ngày 7-7, nhưng vẫn chưa thể xác định nhà vô địch năm 2006. Ông Prudhomme đang chờ kết luận của Ủy ban phòng chống doping Mỹ (USADA), về việc Landis bị nghi sử dụng doping để vô địch Tour de France 2006. Trong trường hợp Landis bị buộc tội, anh sẽ là nhà vô địch đầu tiên bị tước áo Vàng trong lịch sử 104 năm của Tour de France. Khi ấy, hạng nhì chung cuộc là Oscar Pereiro (Tây Ban Nha) sẽ được đôn lên mặc áo Vàng. Dù vậy, báo giới Italia lại nêu trong vụ tai tiếng doping máu ở TBN cũng có những túi máu của Pereiro. Dĩ nhiên, tay đua này chối bỏ.

Ông Prudhomme cũng tỏ ý chán chường, vì vụ doping máu ở TBN đã kéo dài một năm mà chưa có một kết luận nào rõ ràng. Vì vụ này mà hai tay đua Jan Ullrich (Đức) và Ivan Basso (Italia) đã không thể dự Tour de France 2006. Basso cũng sẽ phải trả lời chất vấn với Ủy ban Olympic Italia, trong khi Ullrich đã kết thúc sự nghiệp. Nhưng ông Prudhomme nói nếu không phá vỡ luật Omerta, thì “sẽ còn những Basso và Ullrich hám thành tích khác”. Nhưng ông lạc quan, cho rằng những lời thú nhận như của Zabel chính là sự can đảm phá vỡ luật Omerta: “Tôi mơ ước sự lật đổ một bức tường trong làng đua” và đề nghị các tay đua từng vi phạm nên “bắt chước” Zabel. Ông nói: “Luật Omerta chưa bị phá vỡ hoàn toàn, nhưng bức tường đang rạn nứt. Đang có một nền văn hóa doping trong làng đua xe đạp, điều chúng ta cần là phá đổ hệ thống đó”.

Trung Trực

Tin cùng chuyên mục