Trong khi Tổng cục TDTT hiện vẫn đang chờ VFF đưa ra chỉ tiêu cho đội bóng đá nam U.23 tại SEA Games 28, còn phía VFF phải đợi HLV Miura đưa ra kế hoạch thì người hâm mộ đã bắt đầu nói về việc hoàn thành “giấc mơ vàng” tại SEA Games.
Điều đáng nói ở đây là mọi thứ đều phải chờ HLV Miura xác định, vì HLV này trực tiếp tuyển chọn cầu thủ và dựa trên lực lượng ông có mới xây dựng mục tiêu. Thế nhưng, cách đây không lâu, đã có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi phía Tổng cục TDTT thì đặt chỉ tiêu vào chung kết, trong khi VFF lại định hướng sử dụng lứa cầu thủ U.19 tại SEA Games 28 nhằm chuẩn bị cho kỳ đại hội kế tiếp. Rốt cuộc, đến nay vẫn không biết đâu là mục tiêu chính thức.
Chuyện này không phải diễn ra lần đầu và nó bộc lộ kiểu tư duy nghiệp dư của bóng đá Việt Nam khi đặt ra các chỉ tiêu thi đấu hoặc theo kiểu “cho có” hoặc hoàn toàn dựa trên cảm tính. Nó khác hẳn việc bóng đá Thái Lan khi làm lễ xuất quân đã xác định sẽ thâu tóm HCV môn bóng đá tại SEA Games 27 và họ đã làm được.
Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, muốn có thành tích thì phải có năng lực thực sự. Muốn biết năng lực mình đến đâu thì phải được thi đấu cọ xát liên tục cũng như có đủ thông tin về đối thủ. Sau khi thất bại tại AFF Cup 2014, bóng đá Việt Nam định hướng sẽ làm lại từ thế hệ U.19 một cách chậm rãi, căn cơ, nhưng khi đội U.23 Việt Nam vượt qua vòng loại giải U.23 châu Á vừa qua thì ngay chính những lãnh đạo VFF cũng đã gián tiếp xác định sẽ đoạt HCV tại SEA Games 28.
Trong khi đó, một việc vô cùng quan trọng là đánh giá về hành trình thi đấu vòng loại U.23 châu Á có thành công hay không, năng lực của đội bóng đến đâu thì lại chưa thấy ai bàn đến mà đã vội vã lên kế hoạch cho SEA Games 28 với một đợt tập trung gần 2 tháng. Điều này có nghĩa, thay vì tiếp tục xây dựng lực lượng trẻ dài hạn, nhiều khả năng tại SEA Games 28, bóng đá Việt Nam sẽ vận dụng tối đa giới hạn tuổi cho phép để tìm cách đoạt HCV, một danh hiệu chỉ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là ghi nhận năng lực thật sự của một nền bóng đá.
Trên thực tế, theo phân tích của giới chuyên môn, việc vượt qua vòng loại U.23 châu Á vừa qua có phần may mắn hơn là bóng đá Việt Nam đã có sự tiến bộ. Rõ ràng, chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan vẫn có trình độ cao hơn khi họ là đội nhì bảng có thành tích tốt nhất và đây cũng là những cầu thủ mà họ sẽ đem đến SEA Games 28 để bảo vệ chiếc HCV môn bóng đá.
Vì lẽ đó, nếu ngay từ bây giờ đã vội vã tính đến chuyện hoàn thành giấc mơ HCV tại SEA Games thì sẽ quá sớm, thay vì cần duy trì chiến lược đã đề ra từ trước đó là tiếp tục xây dựng lực lượng dài hơi hơn, có chiều sâu hơn và đợi đến SEA Games 29 cũng chưa muộn. Không nên cho rằng việc vượt qua vòng loại U.23 châu Á là thành công để từ đó cắt bớt thời gian đầu tư cho các cầu thủ trẻ.
Bóng đá Thái Lan dù rất mạnh nhưng cũng đã phải chấp nhận “trắng tay” tại các kỳ SEA Games 25, 26 để xây dựng lại một thế hệ tuyển thủ vừa trẻ trung, vừa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế và chỉ cần 2 năm qua, họ đã lấy lại vị trí số 1 Đông Nam Á một cách dễ dàng bằng đẳng cấp thực thụ.
ĐĂNG LINH