
Các phương tiện đo lường ngày càng nhiều hơn, từ đơn vị tính của ngày xưa, nửa cân là 8 lạng (chỉ áp dụng khi cân vàng), hiện các loại công cụ, đơn vị kiểm định đo lường khác như kilôgam, lít, taximeter, đồng hồ điện… đã trở nên rất gần gũi với cuộc sống thường ngày. Giữa vô số những công cụ kiểm định mà ta vẫn gặp, vẫn mua sản phẩm qua sự đo lường đó, có bao nhiêu lần ta mua được món hàng được đo lường chính xác, để nửa cân thật sự là tám lạng?
Từ “Chuyện thường ngày ở huyện”
Theo Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng TPHCM (Sở Khoa học – Công nghệ), trong năm 2006 khi kiểm tra đo lường hàng đóng gói sẵn tại 65 doanh nghiệp, với 65 lô hàng được kiểm tra, phát hiện 7 lô hàng không đạt tiêu chuẩn. Kiểm tra tại 15 siêu thị với 245 lô hàng, có 111 lô hàng không đạt tiêu chuẩn.
Kiểm tra tại 17 đơn vị quản lý taxi, 16 đơn vị có phương tiện đo bằng taximeter không phù hợp. Còn với vàng bạc, kiểm tra tại 30 doanh nghiệp, với 151 cân, phát hiện 60 cân không phù hợp. Kiểm tra 212 cột đo xăng dầu, phát hiện 4 cột đo không đạt…

Thử nghiệm thiết bị đo tại Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Nhận xét về tình trạng vi phạm trong các phương tiện đo lường, Chi cục TCĐLCL TPHCM cho rằng một số lớn phương tiện đo chưa được kiểm định hoặc đã hết hiệu lực kiểm định, đặc biệt là các loại phương tiện đo có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng như cân tại các chợ, điện kế, đồng hồ nước lạnh, các phương tiện đo trong y tế…
Điều đáng lo ngại là tỷ lệ các đơn vị vi phạm pháp luật về đo lường được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra hiện ở mức trên 20%, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như bán lẻ xăng dầu, sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn…
Ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục Trưởng Chi cục TCĐLCL TPHCM nhận định: “Hoạt động đo lường tại TPHCM có nhiều tích cực, nhưng cũng còn những hạn chế nhất định. Hiện nay, mạng lưới kiểm định phương tiện đo chưa được quy hoạch đồng bộ và thiếu chiều sâu. Đo lường cũng chưa có vị trí, vai trò tương xứng với phạm vi ảnh hưởng của nó trong xã hội, nhận thức về vai trò của đo lường đối với các mặt của đời sống kinh tế – xã hội chưa được đầy đủ, ý thức chấp hành pháp luật về đo lường còn thấp”.
Nỗi lo về chuyện sai phạm nhiều trong đo lường một phần bởi người dân đã quá quen với việc bị đo thiếu, cân sai, nên coi đó như “Chuyện thường ngày ở huyện”.
Bài toán nửa cân bằng tám lạng
Cũng theo ông Trịnh Minh Tâm, công tác kiểm định phương tiện đo, hoạt động đo lường tại TP đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thống kê cho thấy Chi cục TCĐLCL đã kiểm định trung bình 1,2 triệu phương tiện đo các loại/năm, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về đo lường tại 300 – 400 lượt đơn vị/năm và tổ chức hội nghị, hội thảo về đo lường 2 năm/lần… Đây là những kết quả có tác động đáng kể đến việc bảo đảm tính chính xác và thống nhất trong các hoạt động thương mại, an toàn sức khỏe và môi trường.
Tuy vậy, để giảm tỷ lệ vi phạm trong đo lường xuống thấp hơn nữa, các thành tích đáng khích lệ của đơn vị quản lý nhà nước như trên vẫn chưa đủ so với một trung tâm kinh tế lớn như TPHCM. Theo nhận định từ Chi cục TCĐLCL, lực lượng cán bộ hiện làm công tác quản lý về đo lường chỉ có khoảng 20 người, quá mỏng.
Việc đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác đo lường, trang bị chuẩn đo lường và trang thiết bị hiện đại phù hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế, dù đã được đầu tư nhưng còn thiếu chiều sâu.
Ngoài ra, hệ thống các quy định về đo lường của nhà nước còn nhiều quy định chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện không thống nhất, chế tài đối với các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe…
Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt, phạt nặng những đơn vị vi phạm, theo các nhà quản lý là cần thiết, nhưng cần thiết hơn hết là việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường kể cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức…
Từ những việc bình thường hàng ngày như mua thịt cá, gạo, xăng dầu, đi taxi… đến việc giao nhận hàng hóa lớn như xuất nhập khẩu trong thương mại, đo đếm điện nước, khám chữa bệnh, phục vụ nghiên cứu trong khoa học… đều có sự liên quan của đo lường và phương tiện đo lường.
Khi ý thức tôn trọng việc đo đủ, cân đúng của người dân còn chưa cao, các sai phạm trong công tác đo lường vẫn còn tiếp diễn…
MINH TÚ