(SGGPO).- Được xem là một trong những vấn đề nhức nhối và bức xúc của xã hội, tình trạng quá tải bệnh viện đang là gánh nặng đè lên người bệnh, ngành y tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định đây là một trong 7 vấn đề trọng tâm mà bà phải dốc sức tìm lời giải. Ngày 28-11, bà Kim Tiến và lãnh đạo các vụ, cục của bộ này đã khảo sát tình hình quá tải bệnh viện ở TPHCM, tìm nguyên nhân và giải pháp.
- Gần 60% bệnh nhân tuyến tỉnh
Là một trong những bệnh viện chuyên khoa ung thư tuyến cuối, BV Ung bướu TPHCM đã chịu cảnh quá tải nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Trong đó, các khoa nội 1, nội 4 luôn trong tình trạng 2-3 bệnh nhân/giường, thậm chí phải trải chiếu nằm dưới gầm giường, lối đi. Đó là chưa kể cảnh chen chúc, xô đẩy ở các khâu khám, siêu âm diễn ra hàng ngày. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện, nói: “Số giường định biên là 1.300 nhưng thực kê chỉ có 700 cái. Trong khi bình quân mỗi ngày điều trị nội trú tới 1.700- 1.800 bệnh nhân và ngoại trú cũng tương đương con số đó”.
Tận mắt chứng kiến cảnh người bệnh phải nằm dưới gầm cầu thang, hành lang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không khỏi bùi ngùi: “Có vào bệnh viện thế này mới hiểu hết tình cảnh người bệnh, cảm thông với anh em bác sĩ chứ cứ ngồi trên bàn giấy mà chỉ đạo thì vô cảm quá”. Thị sát BV Ung bướu TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng phần lớn người bệnh đến từ các tỉnh. Và đó là một trong những nguyên nhân chính gây nên quá tải, cũng như cho thấy mạng lưới y tế địa phương còn quá mỏng và yếu.
Bác sĩ Lê Hoàng Minh cho biết hiện một bác sĩ phải phụ trách tới 4 giường bệnh và mới đạt tỷ lệ 3,3 điều dưỡng/bác sĩ. Nói rõ hơn về nguyên nhân quá tải, BS Minh nhìn nhận là uy tín của bệnh viện đã thu hút người bệnh và do các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị. Chẳng hạn khi triển khai chuyển giao xạ trị thì các bệnh viện tỉnh không làm được do thiếu nhân lực, trang thiết bị. Còn nơi có đầu tư xã hội hóa điều trị ung thư như BV tỉnh Kiên Giang thì bệnh nhân không có…
|
Tương tự, khi đến BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, đoàn công tác của Bộ Y tế gần như phải chen lấn từng bước một mới lách qua được những hàng người bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình, than thở: “Tai nạn thương tích, chấn thương tăng cao, cộng với các bệnh xã hội như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm đã khiến mỗi năm lượng bệnh nhân tăng thêm gần 10%. Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực không theo kịp. Đã vậy, 50% người bệnh từ các tỉnh chuyển về”.
Bất ổn vượt tuyến tự do
Với cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng khoảng 700 giường bệnh nhưng BV Nhi đồng 1 TPHCM đang cáng đáng 1.500-1.600 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày. Đó là chưa kể bình quân có tới 5.000 lượt khám/ngày, lúc cao điểm mùa dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng lên tới hơn 7.000 lượt bệnh. Chính vì vậy mà các khoa hô hấp, nhiễm, sơ sinh, tiêu hóa luôn trong tình trạng quá tải và năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.
Theo BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện, bên cạnh mô hình bệnh tật, dịch bệnh trẻ em diễn biến phức tạp quanh năm cũng như tình trạng thiếu giường bệnh thì chính sách miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi khiến tình hình quá tải lại càng trầm trọng. Vì vậy, hễ trẻ bị bệnh là phụ huynh ở các tỉnh cứ đưa về thành phố cho “chắc ăn” vì điều kiện giao thông cũng thuận tiện.
Thống kê của BV Nhi đồng 1 cho thấy lượng bệnh nhân chuyển viện có giảm xuống nhờ y tế cơ sở địa phương đã có cải thiện nhưng lượng bệnh nhân tự đến lại tăng mạnh (từ 73,1% năm 2008 lên 81,5% năm 2011). Đó là chưa kể người bệnh khám chữa bệnh diện BHYT vượt tuyến tăng 34% (năm 2011). “Chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới làm giảm tỷ lệ người bệnh chuyển viện nhưng không giảm người bệnh tự chọn cơ sở điều trị”, BS Thượng nói… Ghi nhận tại BV Chợ Rẫy, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình TPHCM cũng cho thấy phần lớn người bệnh tự chuyển lên tuyến trên, bởi thực tế vượt tuyến BHYT vẫn được thanh toán 30%.
Đánh giá cao những nỗ lực chống quá tải của các bệnh viện như tăng ca làm ngoài giờ, đầu tư kỹ thuật, đào tạo nhân lực… nhưng mới chỉ là những giải pháp tạm thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng phải có biện pháp căn cơ hơn. Đó là phải trám lỗ hổng trong quy chế chuyển viện, nhập viện và mạng lưới y tế cơ sở, y tế khu vực. “Gần 60% bệnh nhân ngoại tỉnh, và khoảng 60% trong số đó đáng lẻ nằm điều trị ở tuyến tỉnh nhưng lại tự vượt lên tuyến trên. Cái này ở các nước không có”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cơ chế khám chữa bệnh ban đầu, chuyển viện, nhập viện chưa ổn và cần siết lại để hạn chế nhập viện tự do không phù hợp. Và để làm được điều này phải phân tuyến kỹ thuật, đầu tư cho y tế địa phương, y tế khu vực.
Quá tải bệnh viện lâu nay đã nói nhiều, bàn nhiều. Nhưng phải có sự quan tâm đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, ban ngành chứ một mình ngành y tế không làm được. Nếu tích cực triển khai Đề án 1816 (luân phiên y bác sĩ xuống cơ sở) để phần nào giúp giảm tải, thì cơ sở không có người, trang thiết bị lạc hậu, có muốn nhận chuyển giao kỹ thuật khám, điều trị cũng không được. Các dự án bệnh viện cửa ngõ của TPHCM đã “đóng băng” vì không đền bù giải tỏa được. Chưa kể thủ tục xây dựng một dự án phải mất tới 3-5 năm.
Hiện các tuyến khám chữa bệnh đều có phí, giá như nhau. Tiền khám, tiền giường bệnh đã mười mấy năm nay chưa đổi. Vậy làm sao tái đầu tư được. Nói khám chữa bệnh là bộ mặt của ngành y tế nhưng ngành y tế có thể làm tốt về chuyên môn, còn cơ sở vật chất, cơ chế tài chính, đầu tư phải trông cậy vào các ngành khác nữa.
Hầu như các bệnh viện hiện nay đều quá tải do lượng bệnh nhân nội trú vượt ngoài khả năng đáp ứng. Trong khi quá tải bệnh nhân nội trú sẽ dẫn đến các hệ lụy như chi phí điều trị tăng, nguy cơ nhiễm khuẩn cao khiến thời gian nằm điều trị kéo dài… Do đó bệnh viện đưa ra giải pháp là giảm tỷ lệ bệnh nhân nội trú xuống 5% mỗi năm và tăng khám, điều trị ngoại trú. Làm được điều này đòi hỏi y bác sĩ tranh thủ khám, điều trị ngoài giờ, liên kết với các bệnh viện để mở rộng điều trị, tăng cường chăm sóc giảm nhẹ và điều trị tại nhà. |
TƯỜNG LÂM