“Giải cứu” giấy chứng nhận cho người mua nhà, đất dự án

Ngày 17-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì buổi làm việc với UBND các quận, huyện; sở ngành TP để lắng nghe góp ý Chỉ thị tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án trên địa bàn TP (

Ngày 17-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì buổi làm việc với UBND các quận, huyện; sở ngành TP để lắng nghe góp ý Chỉ thị tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án trên địa bàn TP (Báo SGGP ngày 10-11 đã phản ánh).

Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, cho biết hiện nay khi cấp giấy chứng nhận cho người dân mua nhà, đất, căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP gặp trở ngại khi tài sản đã bị chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng nhưng chưa giải chấp hoặc chủ đầu tư mất khả năng giải chấp để lấy “sổ đỏ” hay tài sản hình thành trong tương lai ra để làm giấy chứng nhận cho người mua; tài sản đã bị phong tỏa để thi hành án… Do đó quan điểm là phải rà soát lại, những trường hợp người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, đã xây dựng xong, nhận nhà để ở thì tách ra làm sổ cho dân trước. Đối với số tiền 5% mà người mua chưa đóng cho chủ đầu tư, UBND quận, huyện sẽ đứng ra thu số tiền này để cấp giấy chứng nhận. Trong trường hợp ngân hàng có ý kiến đồng ý, số tiền 5% khách hàng đóng sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng để trừ khoản nợ của chủ đầu tư. Nếu ngân hàng không có ý kiến, UBND quận, huyện sẽ gửi số tiền này vào kho bạc nhà nước để tạm giữ.

Góp ý về hình thức văn bản cũng như một số nội dung mà dự thảo Chỉ thị về vấn đề xử lý, ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho biết TP không nên ban hành những nội dung này dưới dạng “Chỉ thị” vì không đúng quy định. Thay vào đó là ban hành dưới dạng “Công văn”, rà soát từng dự án cụ thể để xử lý. Ý kiến TP cho rằng, sẽ thực hiện việc cấp giấy chủ quyền cho người dân mua nhà, đất tại các dự án bị thế chấp, còn chuyện nợ nần giữa chủ đầu tư và ngân hàng để hai bên tự giải quyết. Theo ông Trần Văn Bảy, như vậy chắc chắn ngân hàng sẽ không đồng ý, việc giao cho UBND quận, huyện đứng ra “thu hộ” số tiền 5% còn lại khi tiến hành cấp giấy cho người mua theo quy định, UBND quận, huyện cũng không có quyền hạn thu và nếu thu sẽ phát sinh tranh chấp dân sự, kiện tụng mới làm cho tình hình phức tạp thêm.

Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, đất dự án hiện nay là phải giải quyết mối quan hệ “tay ba”: ngân hàng - chủ đầu tư - người dân. Chính quyền cũng không thể vô can trong chuyện này, bởi dự án khi xây dựng đã được các cơ quan chức năng cho phép.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín kết luận, chính quyền phải làm theo pháp luật và pháp luật phải bảo vệ được người dân. Có những tình huống phát sinh trong thực tiễn nếu chúng ta không đột phá thì sẽ không giải quyết được vấn đề và tại TPHCM có nhiều tình huống như vậy. Người dân mua nhà, đất hợp pháp nhưng không được bàn giao, không được sở hữu như vậy có hợp lý không? Nếu cứ căn theo quy định hiện hành thì chúng ta sẽ vướng. Do đó TP phải đột phá để xử lý, trước mắt UBND TP sẽ báo cáo Thường vụ, báo cáo HĐND TP về vấn đề này. Bên cạnh đó cũng sẽ xin ý kiến Trung ương tháo gỡ. Tinh thần là trong tháng 12-2014 sẽ tiến hành cấp giấy chủ quyền cho những trường hợp này.

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục