Nhân chuyện củ hành ế và đang được giải cứu, nghĩ đến chuyện chiếc xe dưa hấu Quảng Ngãi vào tháng trước nhiều người đã tình nguyện bán giúp nông dân mà thấy đắng lòng. Sau nghĩa cử này, các đơn vị như Co.opMart, Big C nhanh tay vào cuộc để cứu trái dưa hấu Quảng Ngãi. Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, mấy chục tấn dưa hấu đã lên kệ, ra chợ, tỏa đi khắp nơi.
Đại diện một đơn vị còn cam kết có thể giúp tiêu thụ cho nông dân Phú Yên và các tỉnh miền Trung khoảng 8 tấn dưa hấu mỗi ngày. Đơn vị này còn cho bộ phận thu mua đến ngay chân ruộng rà soát, đánh giá để có kế hoạch thu mua lâu dài cho nông dân.
Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Thanh Nhàn, chủ nhà hàng Nàng Gánh (quận 3, TPHCM) cho biết, nghe báo chí và nông dân kêu về chuyện hơn 50.000 tấn hành tím Sóc Trăng đang gặp hạn…ế, bà đã lên mạng cộng đồng kêu gọi mọi người chung tay vào “giải cứu”. Kinh doanh nhà hàng nhưng lại đi bán hành tím, chuyện như đùa mà là thật, bởi “thương nông dân quá, chẳng lẽ khoanh tay để bà con khổ”, bà Nhàn tâm sự.
Không chỉ bà Nhàn hào hiệp ra tay, mà mới đây với khẩu hiệu “Mỗi ký hành là một tấm lòng”, thầy trò Trường THPT dân lập Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) đã cùng nhau về Vĩnh Châu mua hành tím ủng hộ nông dân. Coi vậy mà có đến 2 tấn hành tím đã được thầy trò trường này giúp tiêu thụ cho nông dân. Ngay tại Sóc Trăng, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng vào cuộc giải cứu, liên kết với các địa bàn lân cận để bàn chuyện đưa hành tím đi tiêu thụ ở các nơi. Chiều 22-4, những toa tàu chở đầy hành tím Sóc Trăng đã lên đường ra phía Bắc, đó là những toa tàu nghĩa tình.
Giải cứu nông sản là chuyện chẳng đặng đừng trong thời buổi kinh tế thị trường. Giải cứu trái dưa hấu, củ hành… như nhóm lên ngọn lửa sẻ chia giữa nghịch lý ế đồng - đắt chợ, giữa tình thân của cộng đồng, giữa thành thị và nông thôn… Nhưng chẳng lẽ thị trường cứ giải cứu mãi, sau trái dưa hấu Quảng Ngãi, hành tây Đà Lạt, hành tím Sóc Trăng sẽ là gì nữa?
Nhìn kỹ vào thực tế mới thấy: dường như có sự “méo mó” trong phân phối lưu thông của thị trường. Trong khi giá bán hành tím tại vườn ở Sóc Trăng giảm chỉ có 8.000 đồng/kg thì ngay tại chợ Hoàng Hoa Thám (Tân Bình, TPHCM) ngày 22-4 giá 1kg hành tím là 22.000 đồng! Nhớ lại tháng trước, giá dưa hấu Quảng Ngãi tại ruộng chỉ có 500 - 1.000 đồng/kg, rẻ đến độ nông dân không thu hoạch và để mặc cho trâu bò ăn, thì ở dọc đường Nguyễn Văn Linh (TPHCM) giá bán là 6.000 đồng/kg, còn tại chợ Bà Chiểu là 12.000 - 15.000 đồng/kg.
Các mặt hàng nông sản khác như thanh long, xoài cát Hòa Lộc… số phận cũng tương tự. Trong khi thanh long ở Tiền Giang chỉ 10.000 đồng/kg thì ngay chợ Đa Kao là 40.000 đồng. Đó là chưa kể đến xoài cát Hòa Lộc đúng hàng vẫn trụ ở giá 65.000 - 70.000 đồng/kg - cái giá mà nông dân “mơ không thấy nổi”, còn người tiêu dùng ở TPHCM vẫn phải móc tiền chi trả.
Điệp khúc “được mùa mất giá” dường như là câu trả lời “ổn nhất” cho tình trạng này. Nhiều người trong cuộc cứ cho rằng nguyên nhân do thiếu liên kết, nông dân chưa tính toán đến thị trường… Nói nhiều, phân tích rất dữ, nhưng mấy người, mấy nơi xắn tay vào làm. Trái dưa hấu long đong, phập phồng mỗi khi cửa khẩu bên kia biên giới hẹp lại. Còn một quan chức ở Sóc Trăng trả lời báo chí rằng do củ hành là mặt hàng không giữ được lâu nên khó tìm được thị trường!
Rõ ràng, khâu phân phối lưu thông “có vấn đề”. Xin nhắc lại một thực tế sinh động về chuyện được mùa - được giá: Niên vụ 2014 có 195.000 tấn trái vải ở các tỉnh phía Bắc đã tỏa đi khắp nơi. Nông dân nói nhờ chính quyền hướng dẫn cách trồng vải sạch. Chính quyền nói phải xách cặp đi tiếp thị cho nông dân và sắp tới đây sẽ nghiên cứu để mở rộng khâu chế biến sau thu hoạch nhằm nâng thêm giá trị cho mặt hàng này. Như vậy, nông dân sẽ đỡ lo chuyện “được mùa mất giá”.
Việt Nam là xứ nhiệt đới, xứ chuối, vậy mà nhan nhản kệ chuối Dole nhập từ Indonesia; là xứ trái cây mà dân không dám mua trái cây trong nước vì giá cao, mà chỉ làm quen với lê Nam Phi, táo Mỹ… Nghịch lý này bao giờ mới được tháo gỡ? Bài toán phân phối lưu thông đang cần những nhà buôn đường dài, “mua tận gốc, bán tận ngọn” như Big C, Co.opMart… để giảm hẳn các khâu trung gian truyền thống, vốn lâu nay thích thì mua, ghét thì bỏ, mặc cả, chảnh chọe, làm giá với nông dân và người tiêu dùng có điều kiện thể hiện tinh thần “Người Việt dùng trái cây Việt”.
Rồi cũng cần chính quyền vào cuộc, xắn tay áo đi tiếp thị cho nông dân qua nhiều kênh tiêu thụ trong và ngoài nước. Như chuyện trái vải, sáng 23-4 có tin vui: sau thị trường khó tính là Mỹ, trái vải Việt Nam vừa được “cấp visa” vào Australia. Như vậy, trái vải Việt năm nay có nhiều dư địa để tung hoành, không còn chịu cảnh bị tư thương Trung Quốc ép giá. Và chuyện “giải cứu” trái vải sẽ không còn nữa.
THƯ LÊ