Từ một tân binh nằm trong nhóm bị điểm mặt rớt hạng, Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn (TMN.CSG) leo lên ngôi đầu bảng với kỷ lục 630 phút không để lọt lưới. Ngay đến HLV Đặng Trần Chỉnh cũng không tin đội mình sẽ đứng đầu bảng, thế mà đội ông dù thiếu hụt trước giải nhưng càng đá lại càng chắc chân. Giải mã hiện tượng TMN.CSG lúc này cũng là giải mã hoàn cảnh bóng đá Việt Nam...

Hòa Phát Hà Nội (giữa) thua Thép miền nam - Cảng Sài Gòn 1-3.
Trước ngày vào giải, Đặng Trần Chỉnh có lẽ là HLV có nhiều ưu tư nhất trong số 12 HLV. Quân thì già, tướng lại non trong khi những cuộc tuyển quân liên tục “bể”. Sau chuyến đi Mỹ săn cầu thủ ngoại bất thành, phi vụ “mua” Thạch Bảo Khanh cũng “gãy” vào phút 89. Lại thêm họa vào giờ chót khi lão tướng đa năng Huỳnh Hồng Sơn mổ gối sát ngày vào giải. Đến cả cầu thủ “chân gỗ” Carlos Antonio cũng bị Gạch Đồng Tâm “bắt” nốt. Cầu thủ mà đến giờ Chỉnh khẳng định: “Nếu vào tay tôi, tôi tin chắc Antonio sẽ là cầu thủ xuất sắc nhất giải!”.
Nhiều phương án trong cái kế hoạch của tướng Chỉnh bị gãy và đến cả phương án dự phòng cũng tiêu luôn. Thế là Chỉnh họp toàn đội lại và xác định: “Còn bao nhiêu đá bấy nhiêu!”. May cho Chỉnh là cầu thủ biết nghe và thương anh nên cắn răng đá cho mình và đá cho thầy. Chỉnh nói: “HLV nào được cầu thủ thương thì sống và ngược lại”. Điều quan trọng nhất lại là phải sống thế nào để cầu thủ thương thì Chỉnh không đề cập hay nói đúng hơn là anh không muốn đề cập.
Thực chất cầu thủ chịu đá và vì thầy mới chỉ là một lẽ. Vấn đề còn lại là sử dụng những con người ấy như thế nào khi mà nhìn vào TMN.CSG chỉ thấy toàn cựu binh cộng với “hàng dạt” được góp nhặt về cùng với 3 cầu thủ Ucraina để rồi nhào nặn lại để biến thành một hình hài mới.
TMN.CSG thật táo bạo khi chấp nhận phá bỏ cái lối chơi truyền thống và sự mềm mại của mình để hình thành một đội bóng có chất hơn và thực tế hơn. Đặng Trần Chỉnh từng nói: “Nhiều người nói rằng tôi thành công vì không để Thép – Cảng đi theo vết chân của CSG ngày nào nhưng nói như thế thì không đúng. Tôi không phá đi cái cũ mà chỉ thêm vào những cái chưa có của Cảng ngày nào mà thôi. Có thêm một chút chất Thép là điều quan trọng bổ sung cho lối chơi mềm mại ngày nào. Thực sự tôi muốn các cầu thủ của mình mạnh mẽ hơn, tự lập hơn nhưng lại có trách nhiệm với nhau và với đội hơn...”.
Xem Thép – Cảng đá, có lúc như xem người ta tra tấn và thử thách lòng kiên nhẫn của nhau. Trận khai mạc với Bình Dương là một minh chứng. Thủ và thủ thật chặt chỉ để “rình rập” đối phương sơ hở và phản đòn. Cái lối đá đánh vào sự chủ quan khinh suất nhưng cũng đòi hỏi người đặt ra cuộc chơi ấy một tính kỷ luật trong đấu pháp và một thần kinh vững vàng.
Một lần trao đổi với Đặng Trần Chỉnh, tôi than phiền về cái lối đá bức tử bóng đá ấy bằng từ thật chán khi nhìn các cầu thủ của Chỉnh đá thì anh giải thích: “Làm thầy khác với làm một cầu thủ trên sân. Hồi còn là cầu thủ, Chỉnh thích vẽ và thích đá hào hoa lắm nhưng bây giờ phải tự cứu mình bằng tất cả những gì mình có. Nó là một nỗi đau, lại cũng là sự thử thách vì Chỉnh nghĩ không phải cứ muốn thế là được...”.
Ở TMN.CSG có một nguyên tắc bất thành văn mà Đặng Trần Chỉnh hay nói - đó là không cho đối phương chơi như ý họ đã là một nửa thành công. Phần còn lại sẽ là khai thác những gì mà đối phương không ngờ tới. Đúng là ở TMN.CSG, sự chặt chẽ được đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính đến yếu tố bất ngờ. Một “hàng thủ thép” không được dựa trên những hậu vệ xuất sắc nhất mà lại chính là kỷ luật trong đấu pháp. Họ có những cách giao việc cầu thủ rất rõ ràng và có những nguyên tắc vàng để thực hiện ý đồ trong từng trận đấu.
Lối đá của Thép – Cảng giờ đã được cả nước nhận diện nhưng làm thế nào để có nhiều hơn bàn thắng của TMN.CSG lại là cả một vấn đề lớn.
Giải mã được TMN.CSG cũng chính là giải mã được những gì của bóng đá Việt Nam hiện tại: Một đội bóng mạnh chưa chắc đã là một đội bóng nhiều sao mà cái chính lại là một đội bóng biết phát huy hết những tiềm năng của mình từ việc khơi dậy ý thức của từng cầu thủ.
Nguyễn Nguyên