Giải mã trận thua của Barca

NGỌC QUANG

Barca thua Atletico Madrid đến 3-1 ngay trên Nou Camp và lại thua trong tư thế được đánh giá hơn hẳn trong mọi dự đoán của mỗi bình luận viên bóng đá châu Âu. Lý do của trận thua ấy từ đâu? Vắng Eto’o? Chiếc thẻ đỏ từ vòng đấu trước của Ronaldinho?

Giải mã trận thua của Barca ảnh 1

Fernando Torres ghi hai bàn thắng giúp Atletico nhấn chìm Barca tại Nou Camp.

Vắng Eto’o cũng là một lý do nhưng chưa đủ để thuyết phục lắm. Nếu như vắng Eto’o mà thua trận thì có lẽ Barca đã thua trước Alaves rồi Mallorca chứ không phải đợi đến ngày Atletico hành quân đến Nou Camp.

Mà giả sử Eto’o có mặt thì có chắc là anh sẽ ghi bàn giữa giai đoạn anh đang gặp vận rủi như vậy (trước trận Barca – Atletico, Eto’o đá hỏng phạt đền để Cameroon bị Bờ Biển Ngà loại ở tứ kết CAN 2006). Rõ ràng, vắng Eto’o, Barcagol có xáo trộn đội hình chút ít nhưng đó không phải là lý do mà Barca phải thảm bại như thế.

Vắng Ronaldinho nghe có vẻ có lý hơn, nhưng thật ra, Ronaldinho cũng đã không ít lần vắng mặt mùa này mà Barca vẫn thắng. Có thể sự vắng mặt đồng thời của hai ngôi sao hàng công đã khiến Barca “xụi lơ” trước hàng hậu vệ chơi cực kỳ xuất sắc của Atletico trong một đêm người Madrid nổi giận.

Vắng Eto’o và Ronaldinho, thực chất Rijkaard vẫn có giải pháp hợp lý là tung Giuly và Van Bronckhorst vào từ đầu để cùng Messi, Iniesta và Deco tạo thành hàng tiền vệ đủ sức công phá, có tốc độ và sáng tạo. Giuly đã từng được sử dụng một lần như thế khi Barca không có Ronaldinho và họ vẫn thắng Cadiz (ngày 17-12) với tỷ số 3-1. Vậy thì vắng mặt Ronaldinho không phải là nguyên nhân quá lớn cho thất bại ấy.

Kỵ rơ có vẻ còn là nguyên nhân sâu xa hơn hai lý do kể trên. Đầu mùa, Barca thúc thủ trên sân Calderon 2-1, năm ngoái Barca cũng hòa (1-1 trên sân Calderon) và thua (0-2 trên sân nhà) trước Atletico. Lối chơi chặt chẽ của Atletico rõ ràng rất “xung khắc” với lối tấn công ào ạt, lấy uy hiếp làm phòng ngự từ xa của Barca.

Dựa trên sự lanh lẹ từ hai cánh (Petrov và Maxi) cùng xảo thuật và sự tinh tế của Torres, Atletico đã chỉ điểm ngay yếu huyệt của Barcelona ngay trên sân nhà của đối thủ. Cặp trung vệ thiếu sự chắc chắn trong những pha phản công chớp nhoáng và hai hậu vệ biên ham dâng cao không thể quán xuyến nổi khi bị Petrov và Maxi lòn xuống bất ngờ. Lối chơi ấy của Atletico rất nguy hiểm khi họ có những nhân tố cần thiết và chính lẽ đó, Barca đã phải trả giá.

Nhưng nguyên nhân lớn nhất của trận thua ấy chính là sự kết hợp giữa sự chủ quan của Barca (chơi trên sân nhà trước một đấu thủ đang khủng hoảng), sự thiếu vững vàng của Rijkaard trong niềm tin dành cho những cầu thủ cần thiết như Guily hay Van Bronckhorst, áp lực duy trì chuỗi trận thắng và hơn hết là sự hồi phục lạ kỳ của Atletico.

Các cầu thủ Barca chơi lỏng lẻo vì sự chủ quan nói trên đã bị bất ngờ vì bàn dẫn của Torres và dẫn đến tâm lý hoảng sợ khi phải đối mặt tuyển thủ TBN này. Rijkaard thì quá rõ. Ông loay hoay khi không còn hai con chủ bài Eto’o và Ronaldinho. Những động thái sửa sai của ông quá chậm rãi và do đó, Barca không thể quật khởi. Tâm lý duy trì đã đặt áp lực lớn lên vai những cầu thủ Barca và khi họ còn non trẻ (như Iniesta và Messi), họ không thể làm động lực cho cả phần còn lại. Nhưng vượt trên hết, Atletico đã tìm lại được mình.

Vẫn sơ đồ 4-5-1, nhưng số tiền vệ phòng ngự đã được thay đổi trở lại thời kỳ thăng hoa của họ cách đây gần 2 năm khi đưa Luccin đá quét đảm nhiệm thu hồi bóng để Maxi, Igabaza, Petrov và Luciano Galletti mặc sức tung hoành. Atletico thực tế đã chơi rất hay như thế từ trận thắng Zaragoza và Deportivo. Chuỗi ba trận thắng liên tục đã giúp họ vươn lên giữa bảng xếp hạng và nếu cứ chơi tốt như thế, năm sau Atletico rất có cơ hội tham dự Cúp UEFA.

Nói chung, trận thua của Barca ấy đâm ra lại hay hơn là họ thắng. Thứ nhất, với những người yêu Barca, trận thua ấy sẽ gỡ họ ra khỏi rối mắc tâm lý phải thắng mọi trận đấu và do đó, họ sẽ thoải mái hơn cho trận tiếp Chelsea ở Champions League và tiếp tục hành trình ở Primera Liga với một tinh thần thanh thản hơn.

Thứ hai, với những người yêu Primera Liga, cùng với sự hồi sinh của Real Madrid, trận thua này cứu cho Primera Liga khỏi màn độc diễn nhàm chán của Barca từ đầu mùa tới nay. Còn cái để xem nghĩa là vẫn còn nhiều hấp dẫn. Và đó chính là cái hay mà chỉ có Primera Liga mới có được khi mà hành khúc Nga – Bồ vẫn được Chelsea ca vang giữa một Premiership ngày một tẻ nhạt và buồn chán.

NGỌC QUANG

 

Tin cùng chuyên mục