Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” năm nay đánh dấu sự đăng quang của học trò vùng ven. Điều kiện học tập còn thiếu thốn trở thành lợi thế để học sinh nuôi dưỡng những cảm xúc văn chương và rèn luyện chữ viết. Cả 2 gương mặt đoạt giải nhất đều là học sinh giỏi toàn diện và việc học giỏi văn hỗ trợ các em thêm vững vàng ở các môn học tự nhiên, tự tin thực hiện ước mơ trong cuộc sống.
Hành trình chinh phục
Lớp học 9A10 của Trường THCS Đặng Trần Côn (Tân Phú) sôi nổi hẳn lên bởi tin vui lớp phó kỷ luật Lê Phúc Duy An đoạt giải nhất cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” khối 8 - 9. Một chầu lẩu trích từ giải thưởng để đãi bạn, phần tiền thưởng còn lại sẽ gửi mẹ để tái đầu tư cho việc học là tính toán của cậu học trò lớp 9.
Thật khó ai ngờ cậu học sinh thích học toán, Anh văn lại miệt mài 3 năm liên tiếp dự thi văn hay chữ tốt: lần đầu về tay không, năm thứ 2 đoạt giải khuyến khích, năm lớp 9 là cơ hội cuối cùng để dự thi và Duy An đã làm nên chuyện. “Em không đặt nặng vấn đề giải thưởng nên đi thi khá thoải mái, quan trọng là được thử sức. Ngày đi thi, em một mình đạp xe lên quận 3 dự thi để không bị áp lực. Có lẽ nhờ thoải mái tâm lý nên em làm bài tốt hơn”, Duy An chia sẻ.
Ngoài văn hay, cuộc thi còn đánh giá hình thức trình bày và đó chính là khó khăn lớn nhất với Duy An. Mỗi ngày, An phải dành 20 phút rèn chữ viết sao cho thật đều, thật chuẩn từng nét thanh nét đậm… để khắc phục nhược điểm. Có công mài sắt có ngày… đoạt giải, cậu học trò vùng ven đã tạo nên dấu ấn khi lần đầu tiên một nam sinh đoạt giải nhất cuộc thi tại TPHCM.
Tuy là học sinh giỏi toàn diện và có phần thiên về các môn tự nhiên nhưng Duy An lại thích đọc sách và nuôi dưỡng cảm xúc văn chương. Cậu nhóc đặc biệt mê tít văn học lãng mạn của Anh và Pháp. Mỗi ngày, mẹ cho tiền đi học, An đều để dành lại một nửa để mua sách. Với số tiền ít ỏi, An chỉ thường la cà ở các hiệu sách cũ săn lùng những quyển truyện nước ngoài. Chính nhờ thói quen thích đọc sách báo, sưu tầm tài liệu trên mạng nên Duy An được các bạn đặt biệt hiệu “bách khoa” của lớp 9A10.
Với thầy cô ở trường, Duy An là học sinh xuất sắc toàn diện từ việc tích cực tham gia phong trào Đoàn đến học tập và nghiêm túc trong vị trí cán bộ lớp. An thật thà thừa nhận: “Em cũng… mê chơi lắm”. Không quá siêng năng, cần cù nhưng bù lại Duy An nắm bắt vấn đề khá nhanh nhạy.
Với áp lực học ở trường, ở đội tuyển học sinh giỏi, Duy An tự rèn luyện thói quen tập trung nghe giảng và nắm hết cái hồn của môn học ngay trên lớp, về nhà chỉ làm bài tập. Thời gian còn lại, An tranh thủ lên mạng tìm thông tin và giải trí, đi chơi với bạn bè. Do tính hiếu động, thích khám phá tìm hiểu nên ước mơ sau này của Duy An là trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi nên việc giỏi văn sẽ giúp ích cho giấc mơ này.
Đọc sách văn để... giải toán
Cái tin Nguyễn Ngọc Nga đoạt giải nhất khối 6 - 7 cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt 2010” khiến thầy và trò Trường THCS Lý Chính Thắng 1 (Hóc Môn) như vỡ òa. Đây là lần đầu tiên ngôi trường vùng ven chưa có thế mạnh trong sân chơi học sinh giỏi đưa học sinh dự thi cấp thành và giành luôn giải nhất.
“Ngọc Nga hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này. Văn là người và văn chương của em cũng mộc mạc, trầm lắng như chính cô học trò ngoan hiền, học giỏi”, thầy Lê Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường xúc động nói. Đúng như thầy cô và bạn bè nhận xét, sức học của cô học trò nhút nhát lớp 7/1 lại không “hiền” như vẻ ngoài, học bạ của em lúc nào cũng là những điểm số đáng mơ ước, kết quả học tập hầu hết các môn đều đạt trên 9.0.
Nhưng điều gây ngạc nhiên nhất ở tân thủ khoa cuộc thi văn hay chữ tốt năm nay chính là môn văn chỉ là môn học tay trái, ưu tiên số 1 và thế mạnh của Nga lại là môn toán nhiều ẩn số.
Cho nên, cái duyên đưa Nga đến với cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” cũng thật tình cờ vì Nga vốn thích học toán hơn văn. Ngọc Nga thích đọc sách và xem nó như cách để xả stress mỗi khi học bài căng thẳng. Đọc những trang truyện ngắn có nội dung hồn nhiên, trong sáng dành cho lứa tuổi học trò của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh… giúp Nga thấy sảng khoái hơn. Nên cứ mỗi lần giải toán không được, Nga lại lục tìm mấy quyển sách văn học ra đọc.
Nghiền ngẫm riết rồi thành thói quen đọc văn để làm các môn toán, lý, hóa dễ dàng hơn. Tự nhận mình viết văn rất… nghiệp dư nên Ngọc Nga chưa từng có ý nghĩ dự thi học sinh giỏi môn văn. Một lần, cô tổ trưởng văn của trường nhìn thấy chữ viết của Nga rất đều, thẳng tắp và đẹp nên khuyên em dự thi. Và lần thi thử của em lại giành kết quả cao nhất từ cấp trường, lên huyện rồi toàn thành. Nhưng Nga vẫn khiêm tốn: “Em bất ngờ khi đoạt giải vì em chỉ… hơi giỏi văn và thấy nhiều bạn trong lớp còn làm văn hay hơn mình”.
Để vượt qua 4 giám khảo và gần 100 thí sinh khác, Ngọc Nga đã tạo nên sự khác biệt trong bài văn nói về ước mơ của mình thông qua câu chuyện ở thì tương lai 20 năm sau. Theo đánh giá của giám khảo, giọng văn của Nga mộc mạc, câu từ không bóng bẩy trau chuốt nhưng đổi lại ý tưởng lạ, sáng tạo.
Thông thường khi gặp những đề văn dạng mở thế này, học sinh sẽ thuần trình bày ước mơ về nghề nghiệp như mô típ vẫn học ở trường, Nga lại lấy gia đình hạnh phúc làm trọng tâm của câu chuyện. Câu chuyện của em có bối cảnh là cuộc sống của một gia đình trẻ gồm chồng – vợ và con. Trong đó, người vợ làm bác sĩ ngoại khoa trị bệnh cho mọi người chính là ước mơ sau này của Nga. Gia đình hạnh phúc với một người chồng làm giáo viên biết chăm lo gia đình cùng đứa con rất ngoan và học giỏi…
Một ước mơ “già trước tuổi” nhưng lại khiến người đọc bật cười thích thú với những ngôn từ hồn nhiên rất trẻ con. Cái kết của bài làm là hình ảnh đứa con hỏi mẹ làm thế nào để nuôi dưỡng ước mơ tạo thành một vòng tròn khép kín nối cái kết trả lời cho câu hỏi ban đầu: ước mơ của em là gì?
Tiêu Hà