Giải pháp cấp bách di dời nhà ven và trên kênh rạch

Chỉnh trang đô thị mà nội dung di dời nhà ven, trên kênh rạch và tái bố trí cuộc sống cho người dân là một trong 7 chương trình đột phá của chính quyền TPHCM triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Hơn một nửa chặng đường đi qua, tuy kết quả đạt được chưa được như mong muốn nhưng hy vọng với sự quyết tâm hồi sinh những dòng nước đen và chỗ ở của người dân sẽ được cải thiện tốt hơn.

Nhà trên và ven kênh rạch ở quận 8, TPHCM            Ảnh: An Yên
 Không thể ngồi chờ nhà đầu tư


Hiện nay trên địa bàn TPHCM còn khoảng 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc 61 dự án. Một trong những dự án có số dân bị ảnh hưởng nhiều nhất là “Dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi (quận 8) để chỉnh trang đô thị” với tổng số căn nhà bị ảnh hưởng lên đến 5.055 căn, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 12.843 tỷ đồng. UBND quận 8 cho biết công tác mời gọi chủ đầu tư cho chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà lụp xụp ven kênh rạch trên địa bàn quận 8 tuy có nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đến nay UBND TPHCM vẫn chưa có kết quả phê duyệt chủ đầu tư. Đối với dự án ở ven bờ Nam kênh Đôi, UBND quận 8 đã khảo sát được 4.567/5.055 trường hợp bị giải tỏa toàn bộ. Quận đang rà soát, lập danh sách các trường hợp chưa tiếp xúc được (không cho đo vẽ hoặc vắng chủ, không liên lạc được). Đối với việc bố trí tái định cư, quận vẫn đang điều tra xã hội, khảo sát hiện trạng, cân đối quỹ nhà, đất trên địa bàn. “Do UBND TPHCM chưa xác định chủ đầu tư nên dự án sẽ kéo dài. Người dân đề nghị cần thông tin thời gian triển khai thực hiện dự án để bà con an cư, ổn định cuộc sống”,  đại diện UBND quận 8 cho biết. 

Để chuẩn bị các thủ tục kêu gọi đầu tư, UBND TPHCM đã tạm ứng từ ngân sách TP 6 tỷ đồng cho UBND quận 8 để nơi đây chuẩn bị một số thủ tục đầu tư dự án. Trong buổi làm việc mới đây với UBND quận 8, Chánh Văn phòng UBND TPHCM  Võ Văn Hoan nhìn nhận: “Khi có dự án chỉnh trang đô thị tại kênh Đôi, kênh Tẻ, bà con các quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè rất vui, nghĩ rằng sắp tới sẽ có những con đường đẹp như ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhưng việc triển khai dự án này hiện nay phải thực hiện theo quy định mới, phải làm quy hoạch trước, nghiên cứu dự án trước, chuẩn bị đầu tư trước và phải có quỹ đất trước… Từ đó TP mới kêu gọi đầu tư có hiệu quả hơn. Nhưng hiện nay công tác này chưa làm được, phần lớn đều để nhà đầu tư tự nghiên cứu. Tuy nhiên, phải tổ chức đấu thầu trong năm nay và năm sau, có thể chia thành nhiều đợt, xác định cách làm, chứ không thể ngồi chờ nhà đầu tư tới”. Sau gần 3 năm thực hiện chương trình nói trên, kết quả thực hiện chưa như mục tiêu đề ra, nhưng với những kết quả đạt được ban đầu, người dân tin tưởng hơn vào chủ trương này. 

Vận dụng chính sách linh hoạt

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, các tuyến rạch, nhánh rạch nhỏ tuy được thực hiện chỉnh trang bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng bản thân nhóm dự án này cũng chiếm tỷ trọng lớn nguồn vốn đầu tư (tổng kinh phí bồi thường khoảng 21.518 tỷ đồng), trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn nhất định. Các nội dung còn lại của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị hóa chủ yếu sử dụng nguồn xã hội hóa, đây là nguồn lực chủ đạo để huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư, giảm chi từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc huy động và sử dụng nguồn lực này cũng gặp không ít khó khăn, không có nhiều quỹ đất công có giá trị lớn. Để đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính theo hình thức hợp đồng BT thì TP phải thu xếp được quỹ đất khác có giá trị tương đương để bù đắp phần kinh phí thiếu hụt giữa quỹ đất và chi phí đầu tư bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Nhưng hiện nay không còn nhiều khu đất có giá trị lớn để thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư. Các dự án chỉnh trang đô thị chưa nằm trong danh mục ưu tiên. Hiện ngân sách TP cùng lúc phải cân đối cho nhiều chương trình trọng điểm khác… Vốn đầu tư lớn không có nhiều nhà đầu tư đáp ứng đủ năng lực…

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Cụ thể, phân loại và nhận diện phương thức thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị dọc kênh rạch theo 3 nhóm, từng quận huyện phải chủ động rà soát, phân nhóm, xác định phương thức thực hiện của từng tuyến kênh rạch để có cơ sở định hướng, vừa cân đối ngân sách vừa huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, tiến hành tổ chức thực hiện, triển khai công việc  phù hợp với từng nhóm đảm bảo đồng bộ và hoàn thành chi tiêu của chương trình. Nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP đảm bảo cân đối, dự báo từ nay đến hết năm 2020 có thể hoàn thành di dời 8.436 căn, ước tính lũy kế giai đoạn 2015-2020 di dời khoảng 10.114/13.827 căn (tính riêng dự án thực hiện bằng vốn ngân sách đạt tỷ lệ 73,2%). Nhóm thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách gồm 9 dự án, quy mô di dời 8.024 căn nhà theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị. Khó khăn lớn nhất đối với dự án này là trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án rất mất thời gian, tối thiểu khoảng 21 tháng đối với trường hợp đấu thầu và tối thiểu khoảng 19 tháng đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư; trong khi nhiệm vụ đang rất cấp bách, quỹ thời gian còn lại  từ nay đến năm 2020 không đủ để hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Dự báo 9 dự án nói trên sẽ hoàn thành thủ tục đầu tư vào năm 2019 và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng sau năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình trọng điểm của TP đang được triển khai. Những dự án như bờ Nam kênh Tẻ khi hoàn thiện không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng mà còn tạo nên diện mạo  đô thị mới khang trang. Do đó, các cấp chính quyền quyết tâm tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư  thực hiện dự án trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục