Giải pháp để kéo giảm tranh chấp lao động: Thực hiện tốt cơ chế đại diện

Vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc về kinh nghiệm kéo giảm các cuộc tranh chấp lao động tập thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã dành cho Báo SGGP cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này.
Giải pháp để kéo giảm tranh chấp lao động: Thực hiện tốt cơ chế đại diện

Vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc về kinh nghiệm kéo giảm các cuộc tranh chấp lao động tập thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã dành cho Báo SGGP cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Vì sao TP lại chọn Hàn Quốc để trao đổi về cách giải quyết tranh chấp lao động, thưa đồng chí?

* Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ: TPHCM hiện có gần 187.000 DN với gần 2,6 triệu lao động. Trong đó, có hơn 1.000 DN với hơn 270.000 lao động trong 17 KCX-KCN, khu công nghệ cao. Những năm qua, Thành ủy, UBND TPHCM đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ các DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; chăm lo hỗ trợ đời sống công nhân, người lao động… Tuy nhiên, một bộ phận DN chưa chấp hành nghiêm các quy định về pháp luật lao động, Luật Công đoàn; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động còn bị xâm hại dẫn đến các vụ tranh chấp lao động tập thể, lãn công không đúng trình tự pháp luật quy định.

Vào những năm 1960, 1970, Hàn Quốc lúc đó cũng phát sinh nhiều xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động như ở Việt Nam nói chung và TPHCM hiện nay. Từ khi Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia Hàn Quốc (LRC), cơ quan hành chính bán tư pháp, làm trung gian hòa giải các tranh chấp giữa hai bên tập thể người lao động và người sử dụng lao động, tình hình đã được kéo giảm. Một đô thị lớn như Busan, cũng chỉ xảy ra chưa đến 5 cuộc ngừng việc tập thể mỗi năm.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà (thứ hai từ phải sang), thăm phòng xét xử tranh chấp lao động ở TP Busan, Hàn Quốc. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà (thứ hai từ phải sang), thăm phòng xét xử tranh chấp lao động ở TP Busan, Hàn Quốc. Ảnh: VIỆT DŨNG.

* Khép lại chuyến đi, điều gì gợi mở về một mô hình hiệu quả cho TP?

* Có thể nói, đây là một mô hình giải quyết thông minh, với cách tiếp cận, kết nối người lao động, người chủ sử dụng lao động trong một không gian mở, thân thiện gần gũi tựa một công viên, quán cà phê... Ý tưởng thú vị này góp phần giảm nhiệt bức xúc của hai bên - người sử dụng lao động và người lao động - từ đó hai bên dễ dàng tìm kiếm tiếng nói chung hơn.

Với các DN bỏ trốn, nợ lương, ngân sách nhà nước sẽ tạm ứng, trả cho người lao động trước; cơ quan chức năng sẽ tìm chủ DN để “đòi” lại tiền nộp lại ngân sách; xử lý hình sự chủ DN cố tình nợ lương, chế độ của người lao động… là những biện pháp mạnh, mang lại hiệu quả mà chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm.

* Vấn đề khó nhất của TP hiện nay là nhiều cuộc ngừng việc tập thể không đúng trình tự pháp luật. Tình hình này đòi hỏi các ban ngành cần có sự chuyển bộ thế nào để ổn định tình hình quan hệ lao động ở TP?

* Đây là tồn tại đã xảy ra trong những năm gần đây. Ngừng việc tập thể thay vì là “vũ khí” sau cùng để giải quyết tranh chấp lao động tập thể lại đang trở thành công cụ đầu tiên của tập thể người lao động để buộc người sử dụng lao động thương lượng. Tôi nghĩ, hiện tượng này nằm ở việc trao đổi thông tin và thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động trong DN chưa được chú trọng và điều này cần sớm được khắc phục. Khi tranh chấp lao động tập thể xảy ra, tổ công tác liên ngành phải tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động để làm cầu nối thông tin, hỗ trợ quá trình thương lượng giữa hai bên.

Thực tế trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, một số vụ tranh chấp đã xuất hiện việc người lao động từ chối thương lượng hoặc tổ công tác liên ngành khó khăn trong việc lấy ý kiến chung cả tập thể người lao động. Tình thế đó càng đòi hỏi phát huy thật mạnh vai trò của các cấp công đoàn trong việc tập hợp người lao động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động.

TP đã có Ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN trên địa bàn TP. Trong tình hình hiện nay, các cơ quan, đoàn thể chính trị cần chú ý cách tiếp cận người lao động như thế nào. Các cấp công đoàn cần sâu sát, nhạy bén nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người lao động. Nếu thấy DN có dấu hiệu nợ lương, không đảm bảo các chế độ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì công đoàn cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng can thiệp ngay, giải quyết sớm chứ không đợi chủ DN “bỏ trốn” rồi khó khăn lại dồn lên vai người lao động.

Một trong những kênh quan trọng trong việc góp phần ổn định, hài hòa quan hệ lao động trên địa bàn TP là thực hiện có hiệu quả mô hình hoạt động cơ chế ba bên giữa đại diện người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý Nhà nước. Các đơn vị liên quan cần định hướng DN trong việc tuân thủ pháp luật lao động, Luật Công đoàn, nâng cao trách nhiệm DN trong việc chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa đối với người lao động; ngược lại, cũng vận động công nhân san sẻ khó khăn với DN, tích cực làm việc, cống hiến. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, động viên công nhân, người lao động học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động.

MẠNH HÒA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục