
Những ngày đầu năm 2005, dư luận trong nước lại xôn xao trước tin 7 công ty nước ngoài gởi công văn lên Bộ Y tế xin tăng giá dược phẩm. Trong lúc Cục Quản lý Dược đang xem xét thì thị trường dược phẩm đã có biểu hiện nóng lên. Diễn biến phức tạp của giá thuốc đòi hỏi ngành chức năng cần có một giải pháp căn cơ hơn để bình ổn thị trường.
- Giá thuốc tăng ở khâu nào?
Đầu năm 2005, sau khi có dư luận về đợt tăng giá mới, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành đợt khảo sát 17 đơn vị. Kết quả 6 đơn vị không có biến động giá, chiếm 35,3%; có 3 đơn vị giảm giá, chiếm 17,65%, 8 đơn vị tăng giá, chiếm 47,1%. Đoàn khảo sát cũng đã tham khảo 1.659 mặt hàng, có 29 mặt hàng tăng giá, chỉ chiếm có 1,7%, trong đó hơn 1/3 là thuốc ngoại.

Hiệu thuốc kiểu mẫu bình ổn giá của Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Trung ương 2.
Tại TPHCM, mặc dù chưa có kết luận chính thức nhưng tỷ lệ tăng giá tại các công ty xuất nhập khẩu rất thấp, chủ yếu ở một số mặt hàng bị tăng thuế nhập khẩu. Đối với thuốc trong nước, có khoảng 10% mặt hàng tăng giá nhưng chỉ số tăng không đáng kể và do giá thuốc nội thấp nên giá chỉ tăng khoảng vài trăm đồng một hộp thuốc.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát trên chỉ dừng lại ở giá nhập khẩu - giá CIF - và giá bán buôn của các công ty xuất nhập khẩu. Thực tế trên thị trường bán lẻ, giá dược phẩm có sự biến động lớn. Nhiều loại thuốc có mức tăng trên 30%- đặc biệt là thuốc đặc trị. Nhiều loại thuốc không hiểu vì lý do gì lại trở lên khan hiếm, dù nhà nhập khẩu vẫn cung ứng liên tục.
Một cán bộ Cục Quản lý Dược “tiết lộ”: Một trong những nguyên nhân làm giá bán lẻ dược phẩm khó kiểm soát là dược phẩm được cung ứng qua nhiều tầng nấc, nhiều công ty TNHH. Theo phân tích của cán bộ này, chỉ tính riêng ở Hà Nội và TPHCM đã có tới gần 700 công ty TNHH dược phẩm (TPHCM có gần 400 công ty). Do nhà nước chưa quy định tỷ lệ phần trăm tiền lời đối với từng công đoạn bán lẻ, bán buôn và chưa quy định số tầng nấc phân phối (theo đề xuất không quá 3 đầu mối) nên các công ty TNHH mặc sức kê giá và ai nắm nhiều hàng “độc” thì lại càng có cơ hội “làm giá”.
- Bài toán quản lý?
Trao đổi với chúng tôi, TS Cao Minh Quang, Cục trưởng Cục Quản lý Dược khẳng định: Trong cơ chế thị trường, sản xuất và kinh doanh dược phẩm luôn bị chi phối bởi các quy luật kinh tế, đặc biệt là quy luật cung cầu. Vì vậy, cần xác định, nhà nước chỉ tham gia điều tiết giá thuốc bằng cơ chế, chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, không áp đặt quan điểm chủ quan của nhà quản lý.
Ông Quang cũng cho rằng, trong việc quản lý giá thuốc, Bộ Y tế nên tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, xây dựng cơ chế chính sách như thế nào để điều tiết hợp lý còn là vấn đề thách thức đối với Cục Quản lý Dược. Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Vì sao pháp lệnh về giá đã có nhưng lại chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể. Khoảng trống về pháp lý còn quá lớn thì vấn đề quản lý giá thuốc vẫn chỉ là chuyện “lực bất tòng tâm”.
Theo chúng tôi được biết, để ổn định thị trường dược, Cục Quản lý Dược có kế hoạch triển khai một số giải pháp cấp bách. Trước hết là thông báo công khai trên trang web của Cục về các loại giá nhập khẩu, giá dự kiến bán buôn và bán lẻ tại Việt Nam của các thuốc đăng ký lưu hành và nhập khẩu để nhân dân và các cơ sở điều trị tham khảo.

Sản xuất Kim tiền thảo tại Công ty cổ phần Dược phẩm OPC.
Tuy nhiên việc tham khảo cũng chỉ là… tham khảo vì dù đắt hay rẻ, người tiêu dùng – bệnh nhân vẫn phải mua, hoàn toàn không có quyền lựa chọn thuốc. Như vậy ngoài công khai giá thuốc trên mạng, ngành y tế phải có biện pháp chế tài đối với những đơn vị cung ứng, thậm chí đối với các đơn vị bán lẻ.
Cục Quản lý Dược cũng sẽ chú trọng phối hợp với các tổ chức quốc tế để khảo sát về giá thuốc gốc sản xuất tại các nước trên thế giới về tham khảo giá CIF do các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo để khống chế tỷ lệ chênh lệch. Nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để khâu so sánh giá này đạt hiệu quả Cục Quản lý Dược phải chú ý đến tên biệt dược và thành phần thuốc chứ không thể chỉ dò ở tên thương mại, bởi các nhà phân phối thường sử dụng chiêu thức thay đổi tên thuốc để tránh sự phát hiện chênh lệch giá.
Cục Quản lý Dược cũng đã “nhìn ra và có hướng phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi chính sách thuế đối với một số mặt hàng thuốc nhằm khuyến khích phát triển sản xuất trong nước và giảm giá thành sản phẩm. Điều quan trọng là vấn đề này được các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhiều lần lên tiếng nhưng không hiểu sao bao nhiêu năm vẫn chưa có sự thay đổi.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn cứ ấm ức việc đánh thuế bột mì tinh, đường tinh nguyên liệu làm thuốc 10% - thay vì phải được hưởng thuế ưu đãi 0%. Lý giải điều này ngành Hải quan cho rằng mặt hàng này phải áp vào mã hàng thực phẩm thông thường! Chưa hết, các tuýt nhôm nguyên liệu được nhập để sản xuất thuốc tuýt thay vì được hưởng thuế suất ưu đãi 0% thì bị Hải quan đưa vào mức thuế nhập khẩu thùng phuy với mức thuế 15%!
Để bình ổn giá thuốc Cục Quản lý Dược cũng quyết tâm đeo đuổi giải pháp cho phép nhập khẩu song song các thuốc đang bị áp đặt giá cao tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, hình như việc nhập khẩu song song này vẫn còn bị “ngáng chân” bởi một vài thế lực. Không biết việc thay đổi một vài quan chức trong Cục Quản lý Dược vừa qua có làm tình hình sáng lên hay không thì dư luận vẫn tiếp tục phải… chờ!
Thời gian qua, dư luận ghi nhận những nỗ lực của Cục Quản lý Dược trong việc bình ổn giá thuốc, tuy nhiên để giá thuốc bình ổn thì việc ngành chức năng còn phải tăng cường công tác thanh tra giám sát việc cung ứùng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh và cả trên thị trường. Như vậy việc bình ổn giá thuốc xem chừng cần có sự phối hợp tổng thể không chỉ của mỗi ngành dược!
HỒNG LAM