Theo khảo sát của Hiệp hội Gas Việt Nam, trên thị trường hiện nay có đến 40% số lượng vỏ bình gas là giả, nhái nhãn hiệu... Với thủ đoạn tinh vi, từ vỏ bình gas thật của các thương hiệu uy tín, các đơn vị chuyên làm bình giả đã tháo van, đốt, dập chữ nổi, mài cắt đầu, thay tay xách trên bình, sơn hoặc mài bỏ chữ và logo của các công ty để hoán cải thành bình do mình sản xuất.
Thực trạng bình gas giả
Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), hiện nay trong số hơn 10 triệu vỏ bình của những thương hiệu lớn được đưa ra thị trường, có trên 3 triệu vỏ bình đã bị chiếm dụng. Thông thường chi phí sản xuất một bình gas đảm bảo chất lượng giá khoảng 600.000 đồng, còn bình gas giả, chất lượng kém chỉ khoảng 300.000 đồng. Với mức giá hời như vậy nên các cơ sở sản xuất bình gas giả vẫn tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa bất chấp các quy định của pháp luật. Khảo sát từ thực tế các vụ làm nhái, giả bình gas bị phát hiện cho thấy, mỗi bình gas giả đều thiếu bình quân 0,5-1kg (đối với loại bình 12kg). Và như vậy, trung bình người tiêu dùng bị móc túi 30.000 đồng cho mỗi bình gas giả.
Một trong những trường hợp sản xuất bình gas giả điển hình bị phát hiện gần đây nhất là Công ty SX TM DV Đông Phương. Tại nhà máy sản xuất vỏ bình gas Đông Phương (thuộc Công ty Đông Phương), lực lượng công an và quản lý thị trường huyện Hóc Môn TPHCM đã phát hiện rất nhiều vỏ bình gas của các công ty gas. Một số lượng lớn đã bị tháo van đầu bình và đốt cháy (thương hiệu Total gas, Thủ Đức gas, Vimexco gas …). Gần 2.000 vỏ bình trên, thuộc sở hữu của các công ty gas đang cho thế chân để kinh doanh gas trên thị trường, đã bị Công ty Đông Phương thu gom nhằm mục đích hoán cải lại thành vỏ bình gas của đơn vị khác để thu lợi bất chính.
Theo bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, hành vi trên của Công ty Đông Phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật (hủy hoại tài sản của người khác, thu giữ vỏ bình gas của các công ty gas trái phép). Việc hoán cải vỏ bình gas là hành vi cực kỳ nguy hiểm do vỏ bình gas được hoán cải (thay tay xách, thay chân đế, thay chỏm) dẫn đến việc không đảm bảo an toàn khi sử dụng. “Việc hoán cải vỏ bình như thế chẳng khác nào đưa hàng ngàn, hàng chục ngàn quả bom nổ chậm vào nhà dân. Ngoài ra việc làm này còn gây thiệt hại cho các công ty gas là chủ sở hữu vỏ bình gas do giá thành sản xuất vỏ bình hiện nay trên 400.000 đồng/bình (loại bình 12kg), trong khi giá thế chân vỏ bình gas giả chỉ 200.000 đồng/bình” - bà Mẫn nói.
Người tiêu dùng cần cảnh giác
Các chuyên gia cho rằng, bình gas giả hiện nay vẫn tiếp tục tăng là do người tiêu dùng vẫn chưa chú ý đến nhãn hiệu của các công ty gas có uy tín về chất lượng. Theo thói quen khi đổi bình cũ lấy bình mới, người dân chủ quan, ít kiểm tra lượng gas trong bình và độ an toàn của bình gas. Đây cũng là cơ hội để những bình gas kém chất lượng phát triển. Một thực tế khiến cho các cơ sở sản xuất gas giả vẫn tồn tại là do các chế tài, xử lý việc chiếm dụng vỏ bình để sang chiết gas không đạt chất lượng an toàn, chưa chặt chẽ.
Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực từ tháng 1-2010 đã cấm các đơn vị không được chiếm đoạt, lưu trữ, thu gom bất kỳ bình gas nào mà không thuộc sở hữu của mình và các cơ quan quản lý nhà nước có quyền xử phạt theo luật để ngăn chặn sai phạm và khôi phục tình trạng bình đẳng trong môi trường kinh doanh về gas. Tuy nhiên, nhiều cơ sở làm bình gas giả khi bị phát hiện vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt rồi lại tiếp tục hoạt động. Mức xử phạt các hành vi vi phạm trong kinh doanh gas hiện nay quá nhẹ, không đủ răn đe so với lợi nhuận mà đối tượng vi phạm thu được. Trong khi đó, các công ty kinh doanh gas hiện nay cũng chưa có biện pháp thực sự hữu hiệu nào để bảo vệ thương hiệu của mình…
Theo TS Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, việc các bình gas giả, kém chất lượng ngày một tăng trên thị trường xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, các doanh nghiệp chưa tập trung quản lý bình gas trên thị trường. Thứ hai, người dân chưa có ý thức sử dụng. “Họ đang dùng gas hãng này nhưng thấy cá nhân hay cửa hàng nào chào mời rẻ hơn 2.000 - 3.000 đồng là dùng ngay. Tình trạng này làm các doanh nghiệp gas khó kiểm soát được lượng bình gas giả trên thị trường”.
Theo ông Thắng, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên tìm mua phụ kiện của chính hãng, sử dụng bình gas chính hãng có xuất xứ rõ ràng và tem hợp chuẩn của nhà sản xuất. Không nên mua những bình gas quá cũ, có vỏ ngoài biến dạng và không có nhãn hiệu.
* Nhiều ý kiến cho rằng, để chấn chỉnh ngay những bất cập trong quản lý và kinh doanh gas, các bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản pháp quy về điều kiện kinh doanh cho các trạm chiết nạp gas, cần nêu rõ quy mô trạm, nạp gas, sức tồn chứa gas, số lượng vỏ bình gas tương ứng với quy mô đăng ký thương hiệu với cơ quan chức năng. Nếu không có khả năng đầu tư vỏ bình thì không cấp phép hoạt động. Cần quy định xử lý rõ các mức độ vi phạm từ nhắc nhở, xử phạt hành chính, rút giấy phép, truy tố theo quy định pháp luật… |
Nguyễn Thu Tuyết