Giải pháp tạm thời

Ngay sau khi Nhà trắng vui mừng thông báo đạt thỏa thuận về nâng mức trần nợ công, rất nhiều quốc gia, tổ chức kinh tế và các thị trường đã phản ứng tích cực với thông tin trên. Tuy nhiên, không ít các ý kiến cũng cho rằng nâng mức trần nợ công của Mỹ chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ của quốc gia này.

Ngay từ sáng 1-8, các thị trường chứng khoán tăng điểm từ Tokyo tới Paris, Zurich. Chỉ số Dow Jones của Mỹ cũng tăng từ 12.144 điểm lên 12.282 điểm. Tuy nhiên, ngay trong buổi trưa hôm đó, chỉ số này lập tức giảm điểm, xuống còn 11.998.  Và cũng gần như ngay lập tức, đồng USD giảm so với đồng franc Thụy Sĩ và yên Nhật. Eric Stein, Phó Chủ tịch và nhà quản lý danh mục vốn đầu tư của công ty đầu tư Eaton Vance tại Boston (Mỹ) cho rằng toàn cảnh bức tranh kinh tế Mỹ sẽ không có gì thay đổi, thỏa thuận trên “tốt hơn là không có gì”.

Trên thực tế, để đạt được thỏa thuận này, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã nhất trí không đụng chạm gì đến hai vấn đề cốt lõi gây tranh cãi của thỏa thuận là không tăng thuế mà cũng không cắt giảm an sinh xã hội, chỉ giảm ngân sách hoạt động của chính phủ. Và trước mắt, năm tới sẽ chỉ cắt giảm 21 tỷ USD trong tổng số bội chi 3.600 tỷ USD. Con số này được hình dung như muối bỏ bể.

Thỏa thuận kêu gọi cắt 2.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, nhưng thực tế mỗi năm Chính phủ Mỹ bội chi 1.000 tỷ USD. Nên tương lai nước Mỹ cân bằng được ngân sách rất mờ mịt. Tương tự như vậy, khoản nợ quốc gia 14,3 ngàn tỷ USD sẽ tăng thêm vì chính phủ sẽ phải xài nhiều hơn số tiền mình làm ra. Hiện nay thì nước Mỹ đang phải vay 40 xu cho 1 USD họ chi ra.

Nhà kinh tế công ty tư vấn Streettalk cũng có trụ sở Boston, ông Lance Roberts còn bi quan hơn khi nhận định mọi thứ đang xấu đi và nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái đầu năm 2012.

Để tránh tuyên bố vỡ nợ quốc gia, Tổng thống Obama buộc phải đồng ý không tăng thuế đối với người giàu theo yêu cầu của đảng Cộng hòa mặc dù ông từng nói thảm họa nợ hiện nay là hậu quả của việc ưu đãi thuế bừa bãi dành cho người giàu và cắt giảm các chính sách an sinh xã hội dành cho người nghèo của chính quyền tiền nhiệm. Một số người cực đoan cho rằng thỏa thuận này không giải quyết cái gốc của vấn đề là nước Mỹ đang oằn vai chi tiêu quỹ an sinh xã hội.

Thế nhưng, một số nước Bắc Âu cũng có tỷ lệ dân số già cao và họ chi cho quỹ an sinh xã hội rất lớn mà vẫn không vỡ nợ. Cái gốc của vấn đề nằm ở sự phân phối của cải trong xã hội. Nhìn tổng thể nước Mỹ có con số tuyệt vời, GDP cao nhất thế giới, bình quân GDP trên đầu người cũng thuộc hàng cao thế giới, nhưng tính đến cuối năm 2009, nước Mỹ đã có 43,6 triệu người (14,3% dân số) hoàn toàn nghèo, tăng từ 39,8 triệu của năm 2008. Thất nghiệp đang tăng trên 9,1% đến tháng 6-2011. Việc làm mới tạo ra rất thấp mặc dù Chính phủ Mỹ đã chi hai gói kích thích kinh tế hàng trăm tỷ USD cho các ngân hàng và tập đoàn kinh tế lớn.

Theo khảo sát của Washington Post, các ngân hàng thì dùng tiền cứu trợ để thưởng cho nhau, còn các công ty giữ tiền trong két mà không mở rộng sản xuất để tạo việc làm theo yêu cầu của chính phủ. Bên cạnh đó, hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan cùng những hoạt động can thiệp quân sự, chính trị ở nhiều quốc gia đang góp phần đưa kinh tế Mỹ trượt dốc.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục