Chiến tranh luôn để lại những hậu quả nặng nề. Đó có thể là những hậu quả gián tiếp như sự chia rẽ về tư tưởng, hận thù, cũng có thể là những hậu quả trực tiếp như chất độc gây ung thư, quái thai, những vết thương gây tàn tật, mất sức lao động hay đặt gánh nặng cuộc sống cho người bị thương.
Trong đó, hậu quả do bom mìn, chất độc còn sót lại được đặc biệt quan tâm, vì đó là những nhân tố có thể gây nguy hại đến tính mạng và cuộc sống người dân hiện nay, bất chấp chiến tranh đã trôi qua khá lâu.
Làm gì để giải quyết những tàn dư đó của chiến tranh chính là chủ đề cuốn sách mới nhất của Thượng tướng, viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, có nhan đề: Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh.
Cuốn sách được chia làm 2 phần, phần đầu tập trung vào những vấn đề xung quanh việc xử lý chất nổ sau chiến tranh. Theo tài liệu của quân đội Mỹ, họ đã dùng khoảng trên 15 triệu tấn bom mìn, đạn, vật nổ… trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo các tài liệu nghiên cứu thống kê trên thế giới, trung bình có khoảng 2% - 5% số lượng trên không nổ (có tài liệu cho rằng đến 10%). Nếu như vậy, tại Việt Nam sau chiến tranh có đến khoảng 800.000 tấn đạn, bom mìn chưa nổ.
Bên cạnh đó, chỉ tính riêng số mìn mà chính quyền cũ lưu lại hồ sơ đã lên đến gần nửa triệu quả, trải dài trên diện tích gần 55.000ha. Còn nếu tính con số từ các tài liệu khác, số lượng mìn có thể lên đến 3,5 triệu quả. Đó là còn chưa kể số lượng bom mìn, đạn dược sót lại trong các cuộc xung đột sau này như biên giới phía Bắc, phía Tây Nam. Điều nguy hiểm nhất là số vũ khí trên không tập trung vào một khu vực mà trải dài trên cả nước. Theo thống kê, toàn quốc có 10.500 xã thì đến 9.284 xã có vật nổ sót lại sau chiến tranh. Chính vì thế, hơn 35 năm sau chiến tranh vẫn có đến gần 2.000 người chết mỗi năm vì bom mìn sót lại.
Để giảm bớt thương vong, quân đội với trách nhiệm rà phá bom mìn đã ngày càng nâng cao phương tiện kỹ thuật, trình độ, để xóa bỏ lượng bom mìn còn sót lại. Sách cũng nêu ra những con số viện trợ của các nước nhằm giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của bom mìn. Tuy nhiên, Thượng tướng cũng khẳng định, con số viện trợ còn rất ít so với con số dự kiến 10 tỷ USD để xóa sạch bom mìn ở Việt Nam đến năm 2060.
Phần hai của cuốn sách tập trung vào việc giải quyết hậu quả của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ dùng tại Việt Nam. Điểm khác biệt của cuốn sách, là ngoài phần nói về các khu vực rải chất độc, tác giả còn tập trung cảnh báo về những địa điểm chứa chất độc trước đây như các sân bay, bến bãi, kho hàng… Ngoài ra, sách cũng ghi nhận các trường hợp chất độc tập trung bất ngờ như khi máy bay bị bắn hạ, phi công đã trút thuốc độc khẩn cấp khiến toàn bộ 3.700 lít thuốc dồn xuống diện tích chỉ khoảng 2ha (trong khi thông thường là 2 lít/ha).
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng cảnh báo, dù các nhà khoa học cho rằng chất độc dioxin không chuyển hóa vào cây trồng nhưng dioxin có thể dính vào các sản phẩm nông nghiệp, nếu không rửa kỹ vẫn có thể gây hại cho con người. Sách còn dành một phần để kể những câu chuyện về việc rà phá bom mìn trên thực tế, các mảnh đời bất hạnh do nhiễm độc dioxin. Sách do NXB Quân đội Nhân dân xuất bản.
TƯỜNG VY