Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày nước thế giới (22-3), Ngày Khí tượng thế giới (23-3) và Giờ Trái đất (28-3) sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức trên phạm vi toàn quốc vào tuần thứ 3 tháng này.
Theo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nước ta có hơn 2.360 con sông với chiều dài từ 10km trở lên nhưng có tới 63% nguồn nước là từ nước khác chảy vào. Trong đó, ở ĐBSCL có tới 90% nguồn nước chảy từ nước khác vào và ở đồng bằng sông Hồng là 50%. Nếu không kể nguồn nước bên ngoài thì nguồn nước nội sinh bình quân đầu người Việt Nam chỉ khoảng 3.370m³/năm. Nói cách khác, Việt Nam là quốc gia thiếu nước (theo tiêu chí của Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia thiếu nước là quốc gia có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000m³/người/năm) và lại càng thấp xa so với lượng nước trung bình của thế giới (7.400m³/người/năm).
Tuy có khoảng hơn 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỷ mét khối nhưng là một quốc gia nông nghiệp, chỉ riêng lượng nước cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã lên tới khoảng 125 tỷ mét khối vào năm 2020. Đó là chưa kể đến tình trạng phân bố nước về thời gian và không gian không đồng đều; nước bị nhiễm mặn hoặc bị ô nhiễm không sử dụng được. Đã nhiều năm nay, tình trạng “khát nước” xảy ra ở nhiều nơi với mức độ ngày càng khắc nghiệt.
Cũng phải nói thêm, trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn đang tồn tại nghịch lý: thiếu thì thiếu mà thừa vẫn thừa! Theo kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ này, nước biển có thể dâng từ 48cm đến 106cm và ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở mức dâng 1m, 38,9% diện tích ở ĐBSCL bị ngập, 35% dân số bị ảnh hưởng.
Như vậy, xoay xở thế nào để thu xếp ổn thỏa cả thiếu - thừa? Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Hiệp hội Đối tác nước toàn cầu đề xuất triển khai các chương trình tích hợp về quản lý lũ lụt và hạn hán trên cơ sở phương pháp tiếp cận tích hợp, liên ngành, có sự thông suốt giữa các cấp chính quyền. Sáng kiến này dựa trên 3 trụ cột: Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm; phân tích các chỉ số và phổ biến bản tin dự báo, đánh giá tính dễ bị tổn thương và tác động; cuối cùng là giảm nhẹ và ứng phó.
Bày tỏ quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nêu ra hàng loạt vấn đề đáng chú ý, như có thể tiến tới điều hòa nước như điều hòa điện để chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông trên phạm vi toàn quốc (bằng hệ thống kênh, ống dẫn nước điều hòa nước từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ nơi có nước nhưng không có hồ chứa đến nơi có hồ nhưng không có hoặc ít nước, từ điều hòa nội vùng chuyển qua điều hòa liên vùng) hay không. Liệu có thể xây dựng hệ thống công trình thủy lợi trong mối liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác như ở phía trên là đường giao thông, cao tốc, phía dưới là ống dẫn nước hay không?
Những câu hỏi trên không thể trả lời thỏa đáng một sớm một chiều nhưng chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà các ngành, các cấp cần ưu tiên. Đảng ta đã xác định những vấn đề mang tính chiến lược đối với an ninh nguồn nước sẽ được thể hiện trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; trong chiến lược 10 năm; kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trên quan điểm giảm bớt sự phụ thuộc, bị động vào nguồn nước bên ngoài, tăng nguồn nước nội sinh, ứng phó hiệu quả với lũ lụt, xâm nhập mặn…