Giải quyết thủ tục hành chính cho dân: Tập trung khắc phục tồn đọng

Cải cách hành chính là một trong 7 chương trình đột phá được Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa X đề ra, thực hiện giai đoạn 2015- 2020.
Giải quyết thủ tục hành chính cho dân: Tập trung khắc phục tồn đọng

Cải cách hành chính là một trong 7 chương trình đột phá được Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa X đề ra, thực hiện giai đoạn 2015- 2020.

 Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, mới đây UBND TP ban hành Quy chế hoạt động của cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tại các sở, ban, ngành, quận huyện, phường xã trên địa bàn TPHCM. Quy chế mới này sẽ giải quyết được những vấn đề gì trong công tác cải cách hành chính? Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM.

Giải quyết thủ tục hành chính cho dân: Tập trung khắc phục tồn đọng ảnh 1

Phan Thị Bình Thuận,
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM

- PV: Thưa bà, sự cần thiết của việc cán bộ làm đầu mối thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị xuất phát từ nguyên nhân nào?

>> Bà PHAN THỊ BÌNH THUẬN: Chúng ta biết rằng cải cách TTHC, kiểm soát TTHC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tất cả các sở, ban, ngành - UBND quận huyện, phường xã. Tại các đơn vị này, bên cạnh việc giải quyết TTHC cho người dân còn phải thực hiện nhiều nội dung khác của công tác kiểm soát TTHC như: đánh giá tác động của TTHC, rà soát đề xuất đơn giản hóa TTHC, xây dựng quyết định công bố TTHC, niêm yết công khai TTHC, kiểm tra việc thực hiện TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC... Với khối lượng công việc nhiều và phức tạp như vậy, việc hình thành đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC có chức năng tham mưu, giúp thủ trưởng sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát TTHC của đơn vị là hết sức cần thiết, nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa hiệu quả, hiệu lực của công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trong phạm vi từng cơ quan, đơn vị cũng như phạm vi toàn thành phố.

- Kế hoạch triển khai quy chế này của UBND TP được Sở Tư pháp thực hiện đến đâu?

Tính đến thời điểm hiện nay, TPHCM có 790 cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC (sở, ban, ngành: 74; quận - huyện: 72; phường - xã - thị trấn: 644). Đội ngũ này hoạt động kiêm nhiệm, được chủ tịch UBND từng cấp phê duyệt; thường xuyên được kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát TTHC.

Ngay khi Quyết định 38 của UBND TPHCM về Quy chế tổ chức và hoạt động của cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC được ban hành, Sở Tư pháp đã có văn bản thông tin và đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn tổ chức quán triệt, tổ chức nghiêm quy chế này.

- Sự ra đời của quy chế này giải quyết được những vấn đề gì, thưa bà?

Quy chế này tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho tổ chức và hoạt động của cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC tại các đơn vị trên địa bàn thành phố. Vì việc thiết lập đội ngũ cán bộ đầu mối tại các đơn vị cũng như hoạt động cụ thể của cán bộ đầu mối trước nay được thực hiện chủ yếu trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và UBND TPHCM, chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể tại một văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, quy chế này cũng quán triệt nhận thức đúng, đủ về vai trò của cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC tại các đơn vị thông qua việc quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của cán bộ đầu mối, của cán bộ chuyên môn trực tiếp thực hiện các TTHC; mối quan hệ phối hợp của hai bộ phận. Hiệu quả hoạt động của công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC của TP cũng sẽ được nâng cao; góp phần giải quyết các vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong giải quyết TTHC cho người dân tại các cơ quan hành chính. Đội ngũ cán bộ đầu mối thực hiện kiểm soát TTHC tại các đơn vị giữ vai trò là bộ phận tham mưu cho lãnh đạo đơn vị triển khai có hiệu quả hoạt động kiểm soát TTHC, cải cách TTHC tại từng đơn vị, góp phần tạo nên hiệu quả chung của công tác cải cách TTHC toàn TP.

Với quy chế, tổ chức và hoạt động đã được thể chế hóa bằng các quy định cụ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Sở Tư pháp, cơ quan tham mưu, giúp UBND TP trong việc quản lý công tác kiểm soát TTHC triển khai các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND TP đến từng đơn vị, cũng như kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình giải quyết TTHC của từng đơn vị để tham mưu UBND TP kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý... đối với công tác này.

- Với quy chế này, liệu bộ máy hành chính có tăng lên không?

Tại Điều 2 và Điều 3 của Quy chế về cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc của cán bộ đầu mối đã thể hiện rất rõ: cán bộ đầu mối được cơ cấu tại từng đơn vị và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm - nghĩa là nếu đặt vấn đề tăng lên thì chính là tăng thêm nhiệm vụ chứ không phải tăng biên chế. Do vậy, không có vấn đề bộ máy hành chính tăng lên khi thực hiện quy chế này.

- Xin cảm ơn bà!

ÁI CHÂN - VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục