Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn: Tránh “bắt cóc bỏ dĩa”

Chuyển biến tích cực
Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn: Tránh “bắt cóc bỏ dĩa”

Khuyến cáo người dân không cho tiền người lang thang xin ăn là một giải pháp hữu hiệu của TPHCM trong bối cảnh 90% người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng là người từ các tỉnh, thành khác đến TP. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này một cách căn bản, thiết thực và lâu dài như yêu cầu của UBND TPHCM, vẫn cần nhiều lời giải đồng bộ về các vấn đề liên quan.

Người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng (phải) được chăm sóc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM tham gia các hoạt động cộng đồng.

Chuyển biến tích cực

Được thực hiện liên tục trong thời gian qua, đặc biệt, từ ngày 28-12 (thực hiện Quyết định 49 của UBND TPHCM), TP tăng cường đưa người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội nhằm giữ gìn hình ảnh của TP khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, ở khu vực nội thành, các tuyến đường vốn tập trung đông người xin ăn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Ngũ Lão (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3), Lý Thường Kiệt… giờ đây đã giảm hẳn số người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Nhiều giao lộ như khu vực ngã 6 Cộng Hòa, ngã tư Hàng Xanh… cũng hạn chế tình trạng người xin ăn lăn xả vào người điều khiển phương tiện giao thông trong khi dừng lại chờ tín hiệu giao thông. Đây là chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM cho biết, trong vòng 1 tháng vừa qua, các quận, huyện đã chuyển gửi vào trung tâm 229 người lang thang xin ăn. Số người xin ăn được phát hiện gần đây cũng không nhiều, đơn cử như ngày 28-12, trung tâm chỉ tiếp nhận có 7 người.

Trước đó, ngày 27-5-2009, UBND TPHCM đã có Quyết định 2606/QĐ-UB (QĐ2606), nêu mục tiêu cuối năm 2010, TP phải giải quyết căn bản tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Song, mục tiêu trên đến nay vẫn chưa thành và phải nối tiếp bằng sự đôn đốc, chỉ đạo mạnh của UBND TPHCM qua Quyết định 49 mới đây.

Dạy nghề, giải quyết việc làm hiệu quả

Hàng năm, Sở LĐTB-XH TPHCM tập trung từ 2.000 - 3.000 lượt người lang thang xin ăn vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Hầu hết họ từ các tỉnh, thành khác đến TPHCM xin ăn; trong khi tập trung 3 tháng (hoặc 6 tháng với người tái lang thang), người có gia đình bảo lãnh sẽ được hồi gia. Song, trong khi TPHCM nỗ lực đưa người lang thang xin ăn vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội và các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc thì các tỉnh, thành khác (những nơi có đông người vào TP lang thang xin ăn), lại chưa có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các gia đình khó khăn, có nguy cơ phải lang thang xin ăn. Các tỉnh, thành cũng chưa có hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp nhận, chăm sóc số người lang thang. Vì thế, một phần không nhỏ những người đã hồi gia về các địa phương, thường tiếp tục trở lại TPHCM tái lang thang xin ăn. “Sở LĐTB-XH TPHCM đang tiếp tục phối hợp, giao kết chặt chẽ với các tỉnh, thành để có biện pháp trợ giúp họ ổn định cuộc sống, có công ăn việc làm, định cư ở nơi cư trú. Chúng tôi đang tính toán, xây dựng biện pháp sao cho rõ ràng, hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc tái lang thang”, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết vào sáng 29-12.

Việc dạy văn hóa, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng đã được TP thực hiện. Trong buổi tư vấn kinh nghiệm tìm việc, thông tin nhu cầu của các doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho học viên là người lang thang đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp (đóng tại tỉnh Bình Phước; thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM) mới đây, nhiều học viên mong muốn có được việc làm ổn định, được hỗ trợ chỗ ăn ở khi hồi gia. Lo lắng của học viên khi được hòa nhập cộng đồng là không biết ở đâu sau giờ làm việc ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Theo Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, trong trường hợp chưa liên hệ được với gia đình, học viên có thể được hồi gia nếu có doanh nghiệp bảo lãnh, nhận vào làm việc. Thời gian qua, một số học viên đã được doanh nghiệp liên lạc trực tiếp với trung tâm để nhận vào làm việc. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay còn ở chỗ, việc theo dấu những người này vẫn đang bỏ ngỏ. Người lang thang xin ăn thường có trình độ văn hóa, tay nghề không cao; hạn chế về kỹ năng, kỷ luật lao động cũng là rào cản để có thể duy trì công việc ổn định.

Người dân không cần làm thủ tục bảo lãnh hồi gia

Về việc giải quyết thủ tục hồi gia cho người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM.

- Phóng viên: Gia đình có phải đến các trung tâm làm thủ tục bảo lãnh hồi gia cho thân nhân là người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng?

>> Ông LÊ CHU GIANG: Quy trình trước đây, sau khi tập trung vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định và trung tâm sẽ liên lạc với thân nhân họ để gia đình biết, đến trung tâm làm thủ tục bảo lãnh hồi gia.

Hiện nay, quy trình theo quy định tại Quyết định 49 của UBND TPHCM, các trung tâm như Trung tâm Hỗ trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức và các trung tâm bảo trợ xã hội (gọi chung là trung tâm) không quy định thủ tục bảo lãnh. Người dân không cần làm thủ tục bảo lãnh hồi gia mà chính các trung tâm sẽ tiến hành thủ tục xác minh để giải quyết hồi gia cho đối tượng. Cụ thể, sau khi tiếp nhận người, dựa trên thông tin về nơi thường trú hoặc tạm trú mà họ cung cấp, trung tâm sẽ gửi Phiếu đề nghị xác minh về UBND (công an) phường, xã, thị trấn đúng nơi đối tượng đã nêu ở các tỉnh, thành; hoặc cán bộ trung tâm trực tiếp đến địa phương xác minh nếu đối tượng cung cấp địa chỉ ở TPHCM.

Hai nội dung cần được xác minh: Đối tượng có hộ khẩu thường trú/tạm trú tại địa phương như đã cung cấp hay không; nếu đối tượng không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại địa phương thì thân nhân của đối tượng có đồng ý bảo lãnh đối tượng về gia đình hay không? Căn cứ vào kết quả xác minh, nếu đối tượng có nơi cư trú nhất định hoặc có người bảo lãnh thì trung tâm sẽ giải quyết hồi gia.

Riêng với người có khuyết tật về thần kinh, tâm thần, vẫn cần gia đình đến trung tâm làm thủ tục bảo lãnh hồi gia, do bản thân đối tượng có hạn chế về năng lực hành vi dân sự.

- Người được giải quyết hồi gia, trung tâm sẽ chở về tận nhà?

Với đối tượng ở TPHCM, trung tâm sẽ có văn bản/quyết định thông báo về cho gia đình, cho chính quyền địa phương là đã giải quyết hồi gia cho đối tượng rồi, chứ trung tâm không nhất thiết phải đưa họ về tận nhà. Với đối tượng ở các tỉnh, thành khác, chúng tôi sẽ nghiên cứu cách làm sao cho phù hợp, đảm bảo đối tượng về gia đình, địa phương; tránh tình trạng đối tượng không về mà ở lại TP tái lang thang xin ăn. Trường hợp đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trung tâm sẽ hỗ trợ chi phí tàu xe về quê.

- Sau thời gian bao lâu ở trung tâm, người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng được hồi gia?

Sau thời gian chăm sóc không quá 3 tháng tại trung tâm, người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng sẽ được giải quyết hồi gia; TP hạn chế nuôi dưỡng thời gian dài những đối tượng này tại trung tâm.

Riêng với những trường hợp không xác định được nơi cư trú nhất định hoặc không có người bảo lãnh, sở sẽ tham mưu giải quyết phù hợp với Quyết định 49 của TP, các quy định của Trung ương về vấn đề này với tinh thần là hướng đối tượng về gia đình, hội nhập cộng đồng. Các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ tập trung nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ bỏ rơi, người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật, đối tượng khác có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ…

MẠNH HÒA

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục