Giải quyết tranh chấp vật nuôi

Ở các vùng nông thôn nước ta, đã và đang xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp về quyền sở hữu vật nuôi, các đương sự phải đưa nhau ra tòa để giải quyết. Trên thực tế, các vụ tranh chấp về vật nuôi diễn ra trong bối cảnh có những vướng mắc mà việc giải quyết không hề dễ dàng. 

Gia súc, gia cầm cũng là loại tài sản được quy định trong chế định pháp luật về tài sản và quyền sở hữu. Do đặc tính di chuyển của vật nuôi, cùng với tập quán thả rông vật nuôi, đã khiến cho việc quản lý và bảo vệ vật nuôi gặp phải những khó khăn nhất định. Có nhiều vụ tranh chấp vật nuôi giữa 2 hộ gia đình được thương lượng giải quyết, hòa giải khi cả hai bên đồng thuận. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được, tòa án cũng không có căn cứ nào để giải quyết. Do vậy, trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, ngoài các quy định về quyền sở hữu chung như các loại tài sản khác, còn quy định các trường hợp xác định quyền sở hữu khi vật nuôi bị thất lạc.

Về công nghệ tế bào động vật, Viện Chăn nuôi có thể giám định ADN vật nuôi. Giải pháp này có hiệu quả trong trường hợp nguồn gốc vật nuôi được xác định rõ ràng, cũng như có nguồn ADN huyết thống. Tuy nhiên, hạn chế của giải pháp này là chi phí giám định cao. Đương sự tranh chấp giành lại vật nuôi bởi có thể đó là cả gia tài với họ nhưng chi phí để giải quyết lại vượt quá khả năng chi trả. Hệ thống pháp luật hiện nay không có các quy định hướng dẫn về cách thức xử lý các trường hợp tranh chấp vật nuôi như vậy. Thậm chí, có những vụ việc vì không thống nhất được nên phải kéo dài bất tận. Kể cả trong trường hợp không có căn cứ giải quyết, pháp luật cũng chưa có cơ chế xử lý đối với vật nuôi tranh chấp. Có trường hợp tòa án buộc phải giải quyết bằng cách… chia đôi vật nuôi.   

Sau khi giải quyết vấn đề khó khăn là vật nuôi thuộc về ai, người đã nuôi giữ gia súc, gia cầm trong thời gian bị thất lạc có quyền yêu cầu chủ sở hữu phải thanh toán tiền công và chi phí theo khoản 2 Điều 231 và khoản 2 Điều 232 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, trong khoảng thời gian đó, nếu gia súc, gia cầm có sinh con thì người nuôi giữ được hưởng một nửa số con hoặc nửa giá trị nếu là gia súc, hoặc được hưởng toàn bộ nếu là gia cầm. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nuôi giữ gia súc, gia cầm bị thất lạc của người khác. Thế nhưng, quy định này cũng chỉ dừng lại ở đối tượng là gia súc, gia cầm, nếu là các loại vật nuôi khác (trừ vật nuôi dưới nước đã được quy định tại Điều 233 Bộ luật Dân sự 2015) thì lại chưa có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người nuôi giữ,

Tin cùng chuyên mục