Giải quyết vụ 5 triệu yên Nhật trong thùng loa: Chưa có tiền lệ?

Sau khi Báo SGGP đăng bài “

Sau khi Báo SGGP đăng bài “Chuyển tòa án vụ 5 triệu  yên Nhật trong thùng loa” số ra ngày 3-5-2015, đến nay Tòa án Nhân dân (TAND) quận Tân Bình lại cho rằng, TAND quận Tân Bình không có thẩm quyền thụ lý vụ án này vì đây không phải là vụ án tranh chấp tài sản như Công an quận Tân Bình (CATB) gửi văn bản yêu cầu tòa xử lý.

Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng CATB cho rằng: “CATB xét thấy đây là vụ án tranh chấp dân sự nên đã có văn bản chuyển TAND quận Tân Bình xử lý vì CATB chỉ giải quyết những vụ việc liên quan đến hình sự. Hiện CATB đang chờ TAND quận Tân Bình hồi âm để chuyển toàn bộ hồ sơ qua…”.

 

* LS Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật):

“Việc cơ quan công an chuyển sang tòa án một vụ việc đang giải quyết là trái pháp luật, chắc chắn tòa án sẽ không thụ lý. Như thế sẽ mất thời gian chờ đợi, gây thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, nguyên nhân là do loại vụ việc này đến nay chưa có quy định trình tự, thủ tục giải quyết cụ thể, cũng như chưa có tiền lệ. Đây là khoảng trống mà các cơ quan ban hành quy phạm pháp luật cần phải bổ sung”.

ÁI CHÂN ghi

 

Trong khi đó, Chánh án TAND quận Tân Bình Nguyễn Văn Trí cho biết: “TAND quận Tân Bình chỉ giải quyết vụ việc khi có tranh chấp, trong khi CATB nói có tranh chấp trong vụ việc này là không đúng, hoặc hiểu chưa đúng về tranh chấp. Bởi bà Phạm Thị Ngọt cho rằng số tiền đó là của chồng bà (là người nước ngoài) và bà chỉ làm đơn gửi CATB đề nghị CATB hoãn trả tiền cho bà Huỳnh Thị Ánh Hồng. Xin nhấn mạnh: bà Ngọt chỉ gửi đơn đến CATB chứ bà Ngọt không gửi đơn kiện đến TAND quận Tân Bình. Ngoài ra, số tiền đó là của chồng bà chứ không phải của bà. Nếu số tiền của chồng bà thì ông ta phải trực tiếp đến TAND quận Tân Bình, nếu không đến được thì phải có giấy ủy quyền cho bà theo đúng thủ tục pháp luật quy định. TAND quận Tân Bình cũng phải xử lý vụ việc trên cơ sở pháp luật. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp làm việc với điều tra viên CATB và cũng đã gặp bà Ngọt trao đổi vụ việc này, nhưng xét thấy chưa đủ chứng cứ để thụ lý vụ việc nên dù muốn hay không muốn cũng chưa thể giải quyết được. Mấy ngày nay báo chí cũng đã tốn khá nhiều giấy mực và dư luận cũng quan tâm về vụ việc này nhưng theo tôi không vì thế mà nóng vội hoặc bị áp lực về thời gian mà phải giải quyết vụ việc theo đúng trình tự pháp luật cho đến khi có kết quả cuối cùng.”

Như vậy, việc giải quyết 5 triệu yên Nhật (tương đương gần 1 tỷ đồng) đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Lúc đầu chỉ có bà Hồng giao tiền cho cơ quan chức năng, sau gần 1 năm thông báo công khai để tìm chủ sở hữu thì mới đây xuất hiện việc bà Ngọt đến khai nhận số tiền đó là của chồng bà (người nước ngoài) khiến sự việc diễn biến theo chiều hướng khác. Từ đây, CATB cho rằng vì có sự tranh chấp tài sản giữa bà Hồng và bà Ngọt nên đã gửi công văn sang TAND quận Tân Bình đề nghị xử lý. Nhưng TAND quận Tân Bình thì lại bảo không phải là tranh chấp nên không tiếp nhận.

Một số luật sư cho rằng đáng lẽ CATB không nên thụ lý và nên bác bỏ ngay từ đầu đơn bà Ngọt vì chưa đủ chứng cứ pháp luật nhằm tránh việc cơ quan chức năng sa vào các tình tiết không cần thiết, thậm chí dẫn tới “tranh chấp” không đáng có giữa CATB và TAND quận Tân Bình khi bên thì bảo có tranh chấp, bên lại bảo không.

Vì sao các cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong giải quyết vụ việc này? Trong thực tế, đây là vụ việc mới mẻ, chưa từng có tiền lệ, trong khi đó quy định của pháp luật còn mơ hồ, chưa rõ ràng trong việc xác định quyền sở hữu tài sản vô chủ khiến cho các cơ quan chức năng không khỏi lúng túng. Trước sự việc này, lãnh đạo quận Tân Bình cho biết, trong thời gian sớm nhất, sẽ có cuộc họp với các cơ quan chức năng như CATB, TAND quận Tân Bình và Viện Kiểm sát quận Tân Bình để xác định vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan nào để giao cho cơ quan đó giải quyết theo đúng trình tự pháp luật.

Phóng viên SGGP cũng đã trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TPHCM về sự việc này, thì được trả lời: “Đây không phải là vụ việc có tranh chấp nên TAND quận Tân Bình đã không thụ lý giải quyết. Vụ việc này nên giải quyết theo quy định 96/CP năm 2009 về việc “xử lý tài sản chôn lấp, chìm đắm…” thì đúng hơn, vì vụ 5 triệu yên Nhật thuộc về tài sản chôn lấp nên phải chuyển về Sở Tài chính xử lý. Còn nếu là di sản thì chuyển sang Sở Văn hóa Thể thao xử lý.

Mặt khác cũng cần làm rõ các vấn đề như: Ai chủ sở hữu số tài sản này? Nguồn gốc tài sản từ đâu? Vì sao số ngoại tệ ngót 1 tỷ đồng lại được vận chuyển trái phép vào Việt Nam không qua hải quan cửa khẩu?... Có như thế, sự việc mới được làm sáng tỏ và số tiền vô chủ này sẽ được cơ quan chức năng phán quyết cuối cùng”.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục