Nhắc đến chuyện các giải thưởng tháng của V-League chắc hẳn ai cũng nhớ đến những “điềm xui” mà các giải thưởng (đặc biệt là giải thưởng dành cho đội bóng xuất sắc nhất) đã đem lại ở mùa giải 2005. Năm đó, đội nào vừa nhận giải là ngay lập tức thua trận, thậm chí rơi tự do một cách... không tin được.

Còn năm nay, phải đến giai đoạn lượt về, BTC cho “hồi sinh” hệ thống giải thưởng và tháng 4 là tháng đầu tiên. Nói mê tín: vậy cũng là đã có trục trặc. Còn nhớ, lẽ ra mùa bóng trước không hề có giải thưởng này vì nhà tài trợ không chịu chi tiền, BTC đành nhờ cậy báo Bóng Đá- cơ quan tuyên truyền của VFF- đứng ra đỡ đầu. Có người nói vui, chính “đầu không xuôi nên đuôi…chẳng lọt”. Năm nay, việc trễ (cũng xuất phát từ việc không có tiền) có thể xem là “đầu chưa xuôi”. Vậy nên, có lẽ HN.ACB nhận giải thưởng trong tâm trạng vừa vui vừa lo.
Có một sự trùng hợp không biết nên hiểu kiểu nào: đội bóng đầu tiên nhận giải mùa trước là Hòa Phát Hà Nội, “người anh em” đất Hà Thành của HN.ACB. Nếu như việc Hòa Phát năm trước nhận giải là một bất ngờ thú vị thì chuyện HN.ACB nhận giải đầu tiên trong năm nay cũng không kém phần bất ngờ. Ngay chính HLV Hoàng Văn Phúc cũng thú nhận như thế.
Vậy nên, xem ra không nên vui quá sớm cho HN.ACB vì phải đợi thêm vài vòng đấu nữa mới biết được nhất là khi ngay sau khi nhận giải thưởng, HN.ACB lại phải đá trên sân khách tại Qui Nhơn. Lành ít, dữ nhiều.
Tất nhiên, sự thất bại gần như ngay lập tức của các đội bóng sau khi nhận giải thưởng mùa trước không chỉ (và không nên) được giải thích bằng sự mê tín. Vậy phía sau nó là gì?
Có người cho rằng, việc bầu chọn theo cách mà BTC thực hiện có cái gì đó rất hỷ xả, vui là chính. Các giải thưởng hàng tháng do các phóng viên thể thao bầu chọn mà không có tiêu chí cố định nào. Cách thông thường nhất mà các phiếu bầu cho thấy đó là dành phần lớn sự thiện cảm cho đội bóng có thành tích tốt nhất thông qua kết quả thi đấu. Đội bóng đã thế, thì các danh hiệu cá nhân cũng thường được “ké” theo cho hoàn hảo. Cách bầu chọn xem ra khá đơn giản và cái gì đơn giản thì … không thật sự chuẩn xác. Hẳn nhiên, đội bóng có kết quả tốt nhất chắc chắn là đội bóng chơi tốt, nhưng nếu dùng từ “xuất sắc nhất” thì chưa ổn vì nếu như đội bóng đó được chơi nhiều trên sân nhà, gặp các đối thủ yếu thì không cần “xuất sắc” cũng đạt kết quả tốt. Ngược lại, có những đội chơi xuất sắc nhưng kết quả không tốt vì họ phải gặp đối thủ quá mạnh. Sự xuất sắc ở đây cần nhìn nhận khác hẳn cách đánh giá dựa trên thành tích. Nói cách khác, sự xuất sắc cần được đánh giá theo những tiêu chuẩn tương tự như các danh hiệu cá nhân. Cầu thủ chơi xuất sắc chưa hẳn đã có tên trong đội bóng có thành tích tốt nhất (thành tích của đội bóng thường không phụ thuộc vào một cá nhân).
Bên cạnh đó, sự thất bại của các đội bóng được bầu chọn ở mùa trước còn được nhìn nhận theo cách của những người am hiểu bóng đá Việt Nam. Họ cho rằng thành tích trong tháng thường chỉ là bề nổi. Hiếm có đội bóng Việt Nam nào bảo đảm sự ổn định một thời gian dài. Vài ba trận đấu thì được nhưng thêm nữa thì phải xem lại. Nó cũng tương tự cái cách tương phản giữa thành tích lượt đi và lượt về vậy. Tính thực tế trên các kết quả thường ít ỏi vì đôi khi kết quả chẳng phản ảnh giá trị thật của một đội bóng. Có khi đội bóng đạt thành tích tốt chẳng khiến các “đại gia” nhìn một nửa con mắt. Mọi chuyện có thể “lập trình” lại theo kiểu “dằn mặt” bằng những “đòn hội đồng”.
Chúng ta có thể lấy ví dụ ngay chính mùa trước: Chuyện đội bóng bị điềm xui đều diễn ra ở lượt đi, lượt đấu mà kết quả thường chẳng ăn nhập mấy đến kết quả chung cuộc. Các đội bóng có thành tích tốt ở lượt đi lại thảm hại ở lượt về. Tại lượt về chỉ có 2 đội nhận giải, đó là GĐT.LA và Nam Định (đều thành công).
Hồ Việt