Ngày 21-12, lễ trao giải cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ III (2006-2010) được tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo người viết văn và độc giả. Không chỉ dừng lại ở giải thưởng, sự tôn vinh dành cho những tác phẩm xuất sắc, cuộc thi tiểu thuyết đã góp phần nâng nền chung của văn chương hiện nay lên một tầm mức mới.
Tại lễ trao giải, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn khẳng định, ba cuộc thi tiểu thuyết liên tiếp được tổ chức từ năm 1998 đến 2010 đã thực sự tạo ra những sự kiện văn học được người viết, người đọc quan tâm. Từ 176 tác phẩm dự thi trong cuộc thi lần thứ I, đến cuộc thi viết tiểu thuyết lần thứ III, Hội Nhà văn đã nhận được 247 tác phẩm. Như vậy có thể thấy từ sự đúng đắn của một chủ trương đã tạo ra bước phát triển mới của một loại thể loại. Trong lúc văn hóa đọc đang chịu nhiều áp lực, thị phần văn học đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại thì số người trụ lại với tiểu thuyết không bị cạn đi mà ngày càng được bổ sung nhiều tên tuổi mới. Cùng với việc mở rộng dung lượng sử thi là sự phong phú về thể loại từ tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết chiến tranh… các nhà văn đã thể hiện thái độ nhập cuộc, tính tích cực xã hội của nhà văn.
Cuốn Hội thề của Nguyễn Quang Thân tiêu biểu cho những tiểu thuyết lịch sử. Cuốn tiểu thuyết đã lấy không gian của thành Đông Quan và vùng Kinh Bắc, khắc họa lại cuộc kháng chiến chống quân Minh với thủ lĩnh Lê Lợi và lãnh tụ tinh thần Nguyễn Trãi. Câu chuyện đã được nhiều người biết đến trong chính sử nhưng thông điệp mà nhà văn gửi tới bạn đọc đang còn và sẽ còn có ý nghĩa sâu sắc lâu dài. Đó là tư tưởng lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, theo đuổi hòa hiếu để cứu vãn những sinh linh trong cuộc chiến. Một vấn đề khác, cũng rất quan trọng là vai trò của trí thức, thái độ đối với trí thức, một vấn đề thời sự đối với xã hội phương Đông. Dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Thân, lịch sử đã được làm mới lại để trở thành lịch sử của ngày hôm nay, vấn đề của ngày hôm nay.
Với đề tài chiến tranh, cuộc thi đã có cả một đội ngũ hùng hậu với những tên tuổi quen thuộc. Đó là Từ Nguyên Tĩnh với Truyền thuyết Thu Bồn; Nguyễn Quang Hà với Vùng lõm; Trầm Hương với Đêm Sài Gòn không ngủ… Với mức độ thành công khác nhau, các tác phẩm viết về chiến tranh đã thể hiện một tầm nhìn cao hơn chiến tranh, khắc họa cho được phẩm giá dân tộc và phẩm giá con người.
Mảng đề tài văn học tham gia trực tiếp vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập có những đại diện xuất sắc như Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Thị Hiền… và đặc biệt tác phẩm Thần thánh và bươm bướm, với bút pháp giả tưởng và hoạt kê, tác giả Đỗ Minh Tuấn được nhận xét rằng đã đưa tới cuộc thi một giọng tiểu thuyết lạ. Cũng về đề tài này, song Lửa đắng của Bắc Sơn là một tiểu thuyết về văn hóa quản lý, mang hơi thở của thời đại. Câu chuyện lấy bối cảnh về cuộc sống Hà Nội trong đổi mới, song khác với tiểu thuyết của Đỗ Minh Tuấn, tác phẩm được coi là đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự biến dạng của các truyền thống dân tộc thì Lửa đắng lại nghiêng về biểu dương những con người dũng cảm khai phá mở đường.
Cuộc thi đã khép lại với một giải A được trao cho Hội thề tác giả Nguyễn Quang Thân; 3 giải B dành cho Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, Vùng lõm của Nguyễn Quang Hà, Quyên của Nguyễn Văn Thọ. 10 giải C được trao cho: Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn, Heo may về (Gió chuyển mùa) của Đỗ Thị Hiền Hòa, Xiêng Khoảng mù sương của Bùi Bình Thi, Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn, Biết đâu địa ngục thiên đàng của Nguyễn Khắc Phê, Xuân từ chiều của Y Ban, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương, Thức giấc của Thùy Dương, Đất trời vần vũ của Nguyễn Một, Những cánh hoa lòng (Dòng sông chết) của Thiên Sơn.
Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục phát động cuộc thi lần thứ IV giai đoạn 2011-2013, khuyến khích các tác giả sáng tác về mọi đề tài, ưu tiên đề tài chiến tranh và đổi mới với mong muốn thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, sức sống cho nền tiểu thuyết Việt Nam.
Vĩnh Xuân