Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Khơi nguồn sáng tạo

LTS: Theo kế hoạch, ngày 17-8, Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII, giải thưởng cấp TP, do Liên đoàn Lao động TPHCM và Báo SGGP  tổ chức sẽ được trao cho 9 cá nhân có sáng kiến mang lại giá trị trong lao động sản xuất và tận tình trong công tác đào tạo thợ trẻ. Bắt đầu từ số báo này, Báo SGGP lần lượt giới thiệu các điển hình xuất sắc được xét chọn trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Khơi nguồn sáng tạo

LTS: Theo kế hoạch, ngày 17-8, Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII, giải thưởng cấp TP, do Liên đoàn Lao động TPHCM và Báo SGGP  tổ chức sẽ được trao cho 9 cá nhân có sáng kiến mang lại giá trị trong lao động sản xuất và tận tình trong công tác đào tạo thợ trẻ. Bắt đầu từ số báo này, Báo SGGP lần lượt giới thiệu các điển hình xuất sắc được xét chọn trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay.

Được duy trì và phát triển từ năm 2000 đến nay, Giải thưởng Tôn Đức Thắng là động lực góp phần nuôi dưỡng, khơi nguồn sáng tạo cho đội ngũ công nhân lao động TPHCM. Càng ý nghĩa hơn, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các kỹ sư, công nhân tham gia Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013 đã kiên trì, bền bỉ lao động sáng tạo và có những sáng kiến giúp giải bài toán khó cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của TP.

Các điển hình được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các điển hình được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ý nghĩa đặc biệt

Khi đơn vị đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là hệ thống máy móc xuống cấp, ông Nguyễn Tấn Thành (Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết) đã cải tiến trục cấp bông trên máy bông viên, cải tiến hệ thống lọc bụi và thu hồi bông. Máy bông vệ sinh tai đang định “cáo lão nghỉ hưu” liền được ông Thành phục hồi, cải tiến thành máy sản xuất bông vệ sinh tai Baby. Chính các giải pháp về công nghệ mà ông Thành thực hiện đã góp phần vừa giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm nay, bên cạnh các ứng viên có sáng kiến cải tiến, tiết kiệm mang lại hiệu quả như thế, có cá nhân đã kế thừa sáng tạo của đồng nghiệp và có đầu tư, nghiên cứu riêng để tạo ra các loại thuốc giúp cá, tôm nhanh lớn, chắc thịt, ít bệnh. Có thể nói, họ đã đánh thức những đề tài nghiên cứu khoa học và tạo ra hiệu quả trong thực tiễn.

“Đây là điều hết sức ý nghĩa, trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp luôn phải đau đầu với bài toán đầu tư sao cho hiệu quả và mong mỏi ở những giải pháp đột phá. Nhiều anh em đã làm chủ công nghệ, tạo ra các sản phẩm, thiết bị phù hợp với điều kiện sản xuất của doanh nghiệp. Thật đáng trân trọng” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải nhận xét.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2013 không chỉ “rơi” vào các kỹ sư mà có cả công nhân với nhiều sáng kiến giá trị. Không những cho ra đời sáng kiến có hiệu quả kinh tế cao, điểm nổi bật là các cá nhân đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay còn tận tình truyền thụ cho lớp thợ trẻ.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng tôn vinh những cá nhân có sáng kiến mang lại giá trị trong lao động sản xuất. Ảnh VIỆT DŨNG

Giải thưởng Tôn Đức Thắng tôn vinh những cá nhân có sáng kiến mang lại giá trị trong lao động sản xuất. Ảnh VIỆT DŨNG

Mở đường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo ban tổ chức, đa số các sáng kiến của doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy có giá trị không lớn nhưng lại có ý nghĩa vì giúp tiết kiệm, giải quyết những vấn đề thực tiễn của chính doanh nghiệp. 

Hiệu ứng tích cực từ giải thưởng đã thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quan tâm và tham gia. Đây là năm thứ hai, doanh nghiệp trong KCX-KCN giới thiệu ứng viên để ban tổ chức Giải thưởng Tôn Đức Thắng xét trao giải. Cách xét chọn của ban tổ chức cũng có nhiều đột phá: Cá nhân chỉ có 1 sáng kiến, song có tính độc đáo, đã vượt qua nhiều ứng viên có hàng loạt sáng kiến, để đoạt giải. Năm nay, qua công tác xét chọn, ban tổ chức tiếp tục đề xuất và hoàn thiện việc tổ chức giải thưởng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để những kỹ sư, công nhân thuộc các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế ngoài nhà nước, đều có cơ hội tham gia giải. Dự kiến, sang năm, Ban tổ chức sẽ kéo dài thời gian khởi động giải, tạo điều kiện cho cá nhân có thời gian hoàn thiện hồ sơ dự giải. Nhận thấy nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa chú trọng công tác khen thưởng, ban tổ chức cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh thang điểm phần thành tích khen thưởng, chú trọng và bám sát hai tiêu chí cơ bản là sáng tạo và đào tạo thợ trẻ để người lao động ở khu vực này tự tin tham gia giải thưởng.

Một trong những điều làm nên giá trị Giải thưởng Tôn Đức Thắng là sự chặt chẽ, chính xác trong khâu xét chọn. Từ 49 hồ sơ dự giải, qua 2 vòng loại và vòng chung khảo, 9 cá nhân xuất sắc thuộc các ngành, nghề kinh tế quan trọng của TP (cơ khí, điện tử, nông nghiệp…) vinh dự đoạt giải. Theo ban tổ chức, số lượng người đoạt giải ít hơn năm trước do trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi nên chưa có nhiều nhân tố mới tham dự giải. Trong khi đó, ban tổ chức giữ nguyên “điểm chuẩn”, không du di vớt vát, không chạy theo số lượng mà làm giảm giá trị của giải thưởng.

ĐƯỜNG LOAN


Giỏi nghề, giỏi công tác công đoàn

Năm 2002, Trần Minh Phụng từ Bình Định xin vào làm việc tại Công ty cổ phần Cơ khí Thủ Đức và chỉ vài năm sau anh đã phấn đấu vươn lên trở thành một thợ cơ khí bậc 5/7, rồi Tổ trưởng Tổ Cơ khí, Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Anh Trần Minh Phụng trao đổi kinh nghiệm công tác công đoàn với một cán bộ công đoàn ngành dệt may TPHCM.

Anh Trần Minh Phụng trao đổi kinh nghiệm công tác công đoàn với một cán bộ công đoàn ngành dệt may TPHCM.

"Động lực nào giúp Phụng phấn đấu đạt được những thành tích cao như vậy?”. Trả lời câu hỏi trên của chúng tôi, Phụng đi ngay vào những phong trào lao động sáng tạo tại tổ cơ khí do anh làm tổ trưởng được phát động từ năm 2004 đến nay.

Đầu tiên là công tác “Động viên công nghiệp quốc phòng” với việc tổ sản xuất của anh đảm nhận sản xuất các loại vũ khí, đạn dược theo các hợp đồng hợp tác với Bộ Quốc phòng. “Công việc vừa vất vả, vừa nguy hiểm đối với người lao động và hiệu quả đạt thấp do thiết bị chuyên dùng thiếu, vật tư không đồng bộ, đã thôi thúc tôi phải làm cái gì đó để khắc phục những khó khăn này…”, Phụng tâm sự. 2 năm sau, Phụng đưa ra sáng kiến thiết kế đồ gá tiện 16 chuẩn loại đơn hàng puly Mitsubisi Nhật Bản và gối đỡ bạc Hà Lan, giúp giảm thao tác kỹ thuật trên từng thiết bị và tăng năng suất lao động lên gấp gần 2 lần. Đặc biệt, các sản phẩm sản xuất ra đã thay thế hàng nhập khẩu và thỏa mãn yêu cầu khách hàng. Tiếp theo là các sáng kiến nâng cấp hệ thống làm mát nhà xưởng và hàng chục máy móc, thiết bị của xưởng cơ khí,  cải thiện đáng kể môi trường làm việc của người thợ.

Cùng với sáng kiến này, anh phát động thi đua trong tổ tham gia tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu. Kết quả, mỗi năm tổ cơ khí do anh phụ trách làm lợi được cả trăm triệu đồng từ việc tận dụng nguồn phế thải đưa vào sản xuất phụ. Số tiền thu được này đều đưa vào nguồn kinh phí hoạt động công đoàn tại tổ và phân xưởng như: tổ chức các hoạt động văn-thể-mỹ; thăm hỏi, động viên đoàn viên gặp khó khăn…

Kinh nghiệm từ thực tế của việc gắn công tác quản lý sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật với vận động anh em trong tổ tham gia các phong trào thi đua đã rèn Phụng những kỹ năng trở thành một cán bộ công đoàn giỏi. Năm 2010, anh được bầu vào cương vị Chủ tịch Công đoàn cơ sở. “Càng được anh em tin yêu, mình càng phấn đấu nhiều hơn”, Phụng nói vậy và cho biết đây cũng là động lực để anh thể hiện hết mình với công việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. 3 năm qua, với các phong trào thi đua lao động sáng tạo, đẩy mạnh năng suất lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… do Công đoàn phát động đã thu hút đông đảo đoàn viên tham gia với giá trị làm lợi cho công ty mỗi năm hàng tỷ đồng. Số tiền này sau đó được trích lại tăng thu nhập cho người lao động và lập quỹ hoạt động công đoàn. Nhờ vậy, các hoạt động thi thợ giỏi, hội diễn văn nghệ, hội thao, công tác xã hội… trong công ty phát triển mạnh.

“Là người thợ trực tiếp sản xuất, anh có khó khăn gì không khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Công đoàn cơ sở?”. “Không”, Phụng mạnh dạn trả lời câu hỏi của chúng tôi. Anh cho biết, cái chính là phải đề ra và thực hiện được các quy chế nội bộ về dân chủ cơ sở, sử dụng lao động, sử dụng quỹ phúc lợi tập thể, quản lý quỹ lương, quỹ phúc lợi… Tất cả phải được minh bạch, công khai và đúng mục đích, làm cho người lao động thấy có trách nhiệm hơn với tập thể và đơn vị từ những quyền lợi mà mình được hưởng. Đây chính là kinh nghiệm và “bí quyết”, đã giúp cho hoạt động công đoàn tại Công ty cổ phần Cơ khí Thủ Đức nhiều năm qua gắn bó người lao động và làm lợi ngày càng nhiều cho doanh nghiệp.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục