Giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên tại Đà Nẵng: Những mẹ hiền trên lớp

Giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên tại Đà Nẵng: Những mẹ hiền trên lớp

Khác với bậc học phổ thông, việc giảng dạy ở bậc học mầm non, tiểu học và trường chuyên biệt có nhiều cái khó, cái khổ khó mà kể xiết. Ở những bậc học này, học trò còn rất nhỏ, lại hiếu động nên ở lớp cô giáo phải vừa “dạy” vừa “dỗ” đúng nghĩa, vừa làm cô giáo vừa là mẹ hiền.

Níu giữ nụ cười trẻ thơ

Học sinh tại Trường Tiểu học Ngô Gia Tự ở phường ven biển An Hải Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phần lớn là con em ngư dân, điều kiện kinh tế khó khăn. Cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn. Dẫu vậy, cô giáo Hoàng Thị Như Vân vẫn bám trường, bám lớp nhờ chính tình yêu thương học trò của mình.

Một tay cô vừa lo cho gia đình vừa lo soạn bài giảng để lên lớp. Ngày ấy, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không lo nổi cho con đến trường nên có học sinh tính bỏ học. Những lúc ấy, cô Vân và đồng nghiệp phải tìm đến tận nhà tìm hiểu, động viên gia đình cho các cháu đi học. Những việc làm ấy, nếu như không xuất phát từ tình yêu thương học trò, chắc khó có thể giúp cô bám trụ với nghề “gõ đầu trẻ” đến 19 năm. Trong quá trình giảng dạy, cô Vân cũng có những sáng kiến, sáng tạo ra đồ dùng dạy học và đoạt giải cấp thành phố. Từ những thành tích đó, cô Vân được công nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố”, “Chiến sĩ thi đua” nhiều năm liền.

“Mỗi ngày đến trường, lòng chúng tôi nặng trĩu bởi những lo toan trong cuộc sống. Vậy nhưng, nhìn nụ cười hồn nhiên của học trò, lòng tôi bỗng nhẹ đi. Có lẽ, đó chính là động lực giúp tôi vượt qua những gian nan để đeo đuổi với nghề”, cô Hoàng Thị Như Vân chia sẻ.

Dạy học sinh tiểu học đã khó, dạy học sinh mầm non lại càng khó hơn. Sự phát triển của trẻ từ 0 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển có tính quyết định, tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực trí tuệ cho trẻ. Nhận thức được điều này, cô Lê Thị Ngọc Uyên, giáo viên Trường Mầm non 19 Tháng 5 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đặt tất cả tình thương vào đám trẻ trong suốt 26 năm.

Cô Lê Thị Ngọc Uyên gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ suốt 26 năm

Ngoài những hoạt động giúp trẻ vui chơi phát triển thể chất và trí tuệ, bằng tấm lòng của người mẹ, bằng chính cuộc đời của mình, cô Uyên luôn nhắc nhớ và động viên các đồng nghiệp trẻ khắc phục những khó khăn để dành trọn tình yêu thương với con trẻ. Hàng ngày, cô Uyên thức dậy từ 4 giờ sáng để chăm chồng bị mắc bệnh hiểm nghèo, lo cho 2 con đi học xong mới vội vã đến trường đón các trò vào lớp. Nhờ vậy, cô Uyên luôn được nhà trường, đồng nghiệp yêu mến, phụ huynh tin tưởng.

Cô giáo như mẹ hiền

Trong số 20 thầy, cô giáo vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên tổ chức tại TP Đà Nẵng, có cô giáo Trương Thị Ngọc Hà, công tác ở  Trường Chuyên biệt Tương Lai. Ngôi trường này ra đời năm 1994 với sứ mệnh giúp trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng được vui chơi, học tập, rèn luyện kỹ năng sống và học nghề để từng bước hòa nhập cộng đồng.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1994, trong khi các bạn cùng trang lứa chọn về các trường phổ thông công tác, cô Trương Thị Ngọc Hà chọn cho mình lối đi riêng khi đến xin việc tại Trường Chuyên biệt Tương Lai. Có mặt từ những ngày đầu trường thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn với nhiều khó khăn chồng chất, nhưng khi tiếp xúc với học sinh không may bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật, cô biết cuộc đời mình phải gắn bó nơi đây vì chẳng nỡ xa các em.

Cô Trương Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường Chuyên biệt Tương Lai đang dạy lớp học trò thiểu năng trí tuệ, khuyết tật

22 năm công tác tại trường, ngoài dạy văn hóa, cô Ngọc Hà còn giúp các em phục hồi chức năng, giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề, hướng nghiệp. Với tình yêu đặc biệt của cô dành cho học sinh, các thế hệ học trò của Trường Chuyên biệt Tương Lai xem cô Ngọc Hà như người bạn lớn, người mẹ thứ hai của mình. Từ chuyện lớn, chuyện nhỏ, đến chuyện thầm kín, các em cũng chỉ tâm sự với cô. Vì vậy, dù cuộc sống còn nhiều việc phải lo toan nhưng cô Hà vẫn luôn coi những học trò đặc biệt của mình như con do mình đứt ruột đẻ ra. Học sinh ở đây bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật... nên việc chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân của các em đều do một tay cô giáo đứng lớp đảm nhiệm.

“Tâm lý những bậc cha mẹ có con bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thường ngại nói đến kiến thức về giới tính với các em. Vì vậy, ngoài dạy kiến thức văn hóa, chúng tôi thường tâm sự, chia sẻ với các em những chuyện thầm kín để kịp thời nắm bắt sự phát triển tâm, sinh lý; từ đó có hướng giáo dục, uốn nắn cho phù hợp. Tôi luôn coi các em như bạn, như con và có thể chia sẻ bất cứ điều gì với mong muốn giúp các em ngày càng hoàn thiện hơn, có ích hơn”, cô Ngọc Hà tâm sự.

NGUYÊN KHÔI 

Tin cùng chuyên mục