So với mọi năm, năm nay hoạt động vui chơi giải trí ở TPHCM dịp tết không có sự đột biến về hình thức thể hiện nhưng lại có sự thay đổi về lượng du khách tham quan mang đến cho TP một không khí lễ hội có nhiều khác biệt.
Lễ hội đường phố hấp dẫn du khách
Ngay từ trước khi đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách TPHCM chính thức khai mạc, đã có rất nhiều du khách quốc tế đổ về khu vực này tham quan chụp ảnh. Chiều 29 Tết, Billy Kelly, một du khách người Mỹ đang chụp ảnh tại đường sách cho biết, qua bạn bè, ông được biết khu vực này là điểm nhấn quan trọng nhất trong hoạt động lễ hội tại TPHCM dịp tết. Bạn bè cũng khuyên ông nên đến đây vào thời điểm trước khi tết chính thức diễn ra sẽ thuận lợi hơn cho việc tham quan do người dân Việt lúc này đang bận chuẩn bị tết; các khu vực trưng bày, biểu diễn sẽ thoáng hơn so với khi bước vào những ngày tết. Điều này không chỉ là kinh nghiệm của các du khách nước ngoài mà ngay cả các du khách là kiều bào về quê ăn tết cũng lựa chọn thời điểm trước giao thừa để tham quan đường hoa, đường sách.
Năm nay, đường hoa, đường sách tuy không có sự thay đổi lớn nhưng lại có nhiều nét độc đáo. Cổng chào đường hoa với biểu tượng đàn ngựa kéo chiếc đồng hồ hoa được du khách đặc biệt quan tâm, nhất là chiếc đồng hồ hoa không chỉ làm đẹp mà còn thật sự hiển thị giờ. Khu vực đường sách có biểu tượng nhà giàn DK1 cao gần 4m cũng đem lại nhiều thích thú cho khách tham quan. Các đơn vị có trụ sở nằm dọc đường hoa, đường sách cũng đầu tư thiết kế các biểu tượng ngày xuân như đàn ngựa dát vàng trước cổng Sunwah Tower (115 Nguyễn Huệ), bức tranh ngựa làm từ gạo trước trụ sở Fiditour (129 Nguyễn Huệ). Trong đó, bức tranh ngựa có kích thước 1,2m x 2m được làm từ 5kg gạo rang được du khách nước ngoài thích thú.
Sân khấu nổi Tàu Hủ - Bến Nghé năm thứ hai đi vào hoạt động đã nhanh chóng trở thành một nét son văn hóa mới của TP ngày đầu xuân và tiếp tục thu hút rất đông du khách đến thưởng thức. Đêm giao thừa, đây cũng là một trong những vị trí thuận lợi nhất để xem pháo hoa nên khu vực này liên tục đông kín người.
Trong 3 ngày tết, ở các điểm vui chơi, giải trí như: Đầm Sen, Thảo Cầm Viên, Suối Tiên, Đại Nam… cũng thu hút từ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn lượt du khách. Theo đại diện Công viên văn hóa Đầm Sen, trong 3 ngày mùng 1, 2 và 3 Tết đã đón trên 250.000 lượt du khách đến vui xuân. Đến với Đầm Sen, nhiều du khách thích thú với tái hiện không khí vui tết mang những nét đặc trưng riêng của ba miền Bắc, Trung, Nam. Với miền Bắc, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những tà áo tứ thân uyển chuyển, thướt tha trong lối hát chầu văn, quan họ Bắc Ninh. Miền Trung thấp thoáng những tà áo dài trên sông Hương, những câu hò xứ Huế dịu dàng và thơ mộng. Và miền Nam, với những cô gái Nam bộ duyên dáng trong áo bà ba, quang gánh cùng với cảnh chợ nổi trên sông, say lòng trong những làn điệu mượt mà của đờn ca tài tử.
Các khu vực lễ hội xung quanh khu trung tâm cũng được khách du xuân năm nay quan tâm như khu phố ông đồ, bên hông Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, sân khấu tại Công viên 23-9, Hội hoa xuân Tao Đàn…
Rạp chiếu phim, sân khấu sôi động
Các rạp chiếu phim trên địa bàn TP thu hút khá đông khán giả trong những ngày tết. Cụm rạp CGV Hùng Vương và Galaxy Kinh Dương Vương là 2 địa điểm có lượng khán giả đông từ những suất chiếu đầu tiên trong ngày. Bộ phim Tây Du ký định dạng 3D là phim nước ngoài hút khách nhất trong 3 ngày tết; mỗi ngày có hơn 10 suất chiếu tại hầu hết các cụm rạp cho bộ phim này. Bộ phim Năm sau con lại về là phim nội - hài duy nhất có các suất chiếu cạnh tranh “ngang ngửa” với Tây Du ký, khi có tới 15 đến 16 suất/ngày. Các phim hài còn lại, như: Cô dâu đại chiến, Hai lúa, Cưới chạy phải chịu “lép” về phần suất chiếu. Cuộc chiến với chằn tinh - phim nội duy nhất không thuộc thể loại hài, cũng chỉ có 3 suất chiếu/ngày. Được làm công phu, có nội dung tốt và được đánh giá là “món lạ” nhất trong mùa phim nội chiếu tết năm nay, nhưng chỉ với 3 suất chiếu/ngày (lại không phải vào giờ đẹp), nên Cuộc chiến với chằn tinh phải đối diện với một “cuộc chiến” khá vất vả, nhất là sắp đến một sự kiện nóng của các rạp phim - ngày lễ Tình nhân 14-2.
Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, hầu hết vở diễn của các sân khấu kịch đều “cháy vé”. Nhiều sân khấu diễn 1 ngày 3 suất cũng không đủ đáp ứng nhu cầu giải trí rất lớn của của công chúng.
Trong những ngày này, từ Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đến các sân khấu kịch: Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Superbow, Nụ Cười Mới, Idecaf, Sài Gòn, Thế Giới Trẻ… và các điểm diễn vừa ra mắt trong thời gian gần đây như Sao Minh Béo, Kim Chi, Tâm Ngọc, Thuần Việt… đã tạo được dấu ấn bằng những vở diễn được đầu tư công phu. Nhờ đa dạng về thể loại nên không khí biểu diễn nghệ thuật kịch nói tại TPHCM đã giúp khán giả có nhiều chọn lựa giải trí.
Táo quân tết - vui và lo Táo quân trong chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV vẫn là chương trình truyền hình được chờ đợi nhất trong dịp tết. Năm nay, nhiều chi tiết mới lạ đã đem đến sinh khí mới cho chương trình này như Ngọc Hoàng (diễn viên Quốc Khánh) có đất diễn rộng hơn khi đóng vai một anh trông xe chốn hạ giới tình cờ đóng thế vai của Ngọc Hoàng đang bị bệnh. Quốc Khánh được đánh giá đã thể hiện xuất sắc hình ảnh một người lao động chân chất, bộc trực hơi có chút ma mãnh, hoàn toàn khác xa vai diễn Ngọc Hoàng đạo mạo mọi khi. Về nội dung, việc đề cập thẳng thắn nhiều vấn đề nóng của xã hội như tình hình kinh tế khó khăn, y đức xuống cấp cũng như các sự kiện đáng chú ý trong năm như bảo mẫu hành hạ trẻ, thẩm mỹ viện, cầu vượt… giúp cho khán giả màn ảnh nhỏ cùng nhìn lại và suy ngẫm. Tuy nhiên, táo quân VTV năm nay cũng bị phê phán nặng nề khi đã cắt xén quá nhiều dẫn đến tình trạng nhiều chi tiết bị đứt đoạn, hụt hẫng. |
NHÓM PV VHVN