Giải trí vẫn phủ sóng
Chỉ tính sơ ở các kênh phát sóng phổ biến: VTV3, HTV7, HTV9, HTV2, THVL…, đã có không dưới 100 chương trình giải trí đang lên sóng. Cụ thể, giờ vàng lúc 20 giờ 30 trên VTV3 từ thứ hai đến thứ sáu là các chương trình: Chọn đâu cho đúng, Ai là triệu phú, Lạ lắm à nha, Thiếu niên nói, Chúng tôi - chiến sĩ. Hai ngày cuối tuần hiện phát sóng liên tiếp 2 chương trình Vượt thành chiến - Trời sinh một cặp (thứ bảy) và Giọng hát Việt nhí thế hệ mới - Ký ức vui vẻ (chủ nhật).
Ở khung giờ vàng trên HTV7, số lượng các chương trình giải trí còn dày đặc hơn. Thứ hai và thứ ba, mỗi ngày phát sóng liên tiếp 3 chương trình gồm: Biệt đội xả xì chét, 7 nụ cười xuân, Bạn muốn hẹn hò (thứ hai); Cơ hội đổi đời, Tâm đầu ý hợp, Nhà chung (thứ ba). Các ngày còn lại trong tuần luôn có 2-3 chương trình xen kẽ. Riêng 2 ngày cuối tuần, số lượng chương trình có thể tăng lên 4-5, phát sóng liên tục từ 19-23 giờ. Từ ca nhạc đến tấu hài, từ ẩm thực đến thời trang, từ trò chơi vận động đến hẹn hò, từ thi tài kiến thức đến các vấn đề xã hội, lên sóng nhiều khung giờ khác nhau. Một số chương trình là phiên bản thuần Việt, trong khi số lượng mua bản quyền từ nước ngoài chiếm ưu thế lớn.
“Phải khẳng định thị trường các chương trình giải trí trên truyền hình ở Việt Nam đang đi rất nhanh. Các đơn vị sản xuất cũng rất chịu khó cập nhật các format (định dạng) nổi bật ở nước ngoài”, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp truyền thông và giải trí Mega GS, đưa ra nhận định. Bà Liên cũng chỉ ra một thực tế, quá nhiều chương trình cùng thể loại, không tránh khỏi tình trạng na ná nhau về format.
Hiện nay, bên cạnh các nội dung mới liên tục được đưa vào sản xuất, những chương trình thương hiệu vẫn có lượng khán giả trung thành khá đông như: Ai là triệu phú, Thách thức danh hài, Người bí ẩn, Ca sĩ bí ẩn, Giọng ải giọng ai, Nhanh như chớp… Năm 2020, VTV thông báo sự trở lại của Gặp nhau cuối năm - Táo quân, hay SV 2020 sau 4 năm vắng bóng, nhận được nhiều quan tâm của khán giả. Các chương trình vì cộng đồng, mang ý nghĩa nhân văn dù đã bị thu hẹp và đẩy sang các khung giờ “xấu” cũng nỗ lực duy trì trong cuộc cạnh tranh với các chương trình thiên về tính giải trí. Trong nỗ lực ấy, ghi nhận nhiều chương trình mới lên sóng: Tiếng rao 4.0, Cơ hội đổi đời…
Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay cũng tạo nên rất nhiều khó khăn, buộc các đơn vị sản xuất phải thay đổi, thích nghi. Nói như NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc Truyền thông Khang (Kmedia): “Xu hướng giải trí nhanh đang phổ biến nên vòng đời các chương trình ngày càng ngắn hơn. Để tồn tại phải thay đổi từ cách thức sản xuất với các chương trình thuộc phân khúc nhỏ, đầu tư hợp lý, không cần tụ tập đông người… cho đến nội dung đi vào giá trị nhân văn nhiều hơn”.
Thay đổi để tồn tại
“Gameshow hay truyền hình thực tế rõ ràng đang ở trạng thái bão hòa. Khán giả đang có xu hướng dịch chuyển sang xem phim truyền hình do chất lượng ngày càng được nâng lên. Chưa kể, nhiều chương trình giải trí cứ lặp đi lặp lại người chơi, giám khảo, cố vấn… khiến khán giả nhàm chán”, khán giả Khánh Nguyễn (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ. Trong khi đó, theo khán giả Lê Hương (TP Thủ Đức), do quỹ thời gian eo hẹp nên chị thường chọn theo dõi những trích đoạn hay của các chương trình trên Facebook hay YouTube.
“Khán giả cứ ăn mãi một món sẽ thấy chán” như nhận định của NSƯT Vũ Thành Vinh, buộc các đơn vị sản xuất phải thay đổi. Thậm chí, đây cũng là điều sống còn ngay cả với những chương trình đã có thương hiệu. Ngoại trừ thử thách riêng và thử thách quyết định được giữ nguyên như ở mùa 2, Ký ức vui vẻ mùa 3 xuất hiện “Chuyến xe ký ức” đưa sứ giả Lại Văn Sâm cùng những đội trưởng và khách mời đến gặp gỡ con người, nét văn hóa, xem bảo vật ở những vùng miền họ đi qua. SV 2020 với nhiệm vụ truyền cảm hứng cho thế hệ sinh viên thời đại 4.0 quyết định rút gọn từ 5 xuống còn 3 phần thi: Lời chào SV, Nhà hát SV, Ống kính SV. Giọng hát Việt nhí 2021 cũng có nhiều thay đổi như thêm quyền ngăn chặn, khóa âm, đặt cược số like cho thí sinh mình yêu thích.
Sự thay đổi rõ nét nhất của giải trí trên truyền hình hiện nay là sự kết hợp nhiều thể loại, hình thức vào một chương trình. Vẫn là thi thố ca hát nhưng Sàn chiến giọng hát được thể hiện qua hình thức đấu giá nhằm tăng kịch tính với khán giả, thay vì chỉ hát, nhận xét của giám khảo như trước. Vô lăng tình yêu vừa kết hợp xe duyên, vừa khám phá địa danh, du lịch Việt Nam. Vũ điệu vàng không chỉ là thi thố về khiêu vũ còn mang đến các câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng cho khán giả. Tính tương tác, vận động giữa người chơi với nhau và với khán giả ngày càng được quan tâm. Nắm bắt được xu thế và lợi thế từ mạng xã hội, nhiều chương trình còn có những phiên bản khác khi đưa lên nền tảng trực tuyến. Đây được xem là cách “lách luật” kiểm duyệt từ các đơn vị phát sóng.
Giải trí trên truyền hình chịu tác động rất lớn từ sự cạnh tranh của giải trí trực tuyến. Hiện nay, đang hình thành xu hướng dịch chuyển từ truyền hình lên internet khi có sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất, các nghệ sĩ. BHD cho ra mắt Mâm nhà - Food Club đồng thời trên các mạng xã hội và các dịch vụ xem phim trực tuyến. MCV có: Come out - bước ra ánh sáng, Cưới đi chờ chi, Vi hành cùng sao… Nói như bà Bích Liên: “Quy luật đào thải diễn ra hàng ngày và chỉ có những đơn vị có thực lực, sản phẩm chỉn chu mới có thể tồn tại. Trong quy luật ấy, dù những đơn vị còn duy trì hoạt động có tính đồng đều khá cao, nhưng cũng không tránh khỏi có một số sản phẩm kém chất lượng lọt sóng truyền hình”.
Một nhà sản xuất cho biết, kinh phí sản xuất chương trình giải trí hiện nay vào khoảng vài trăm triệu đồng/tập phát sóng. Rất hiếm chương trình dám mạo hiểm đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng như trước đây cho thời lượng 45-75 phút/tập, cá biệt nhất là 100 phút. |