Giải trình rõ việc điều chỉnh giảm vốn đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Sáng 26-2, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo về một số vấn đề liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành để UBTVQH thảo luận. Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Giải trình rõ việc điều chỉnh giảm vốn đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

* Bội chi không thể để ngoài ngân sách

Sáng 26-2, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo về một số vấn đề liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành để UBTVQH thảo luận. Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Tính toán kỹ hiệu quả kinh tế Cảng hàng không Long Thành

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại đơn giá và điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5.236 triệu USD, giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội. Cơ cấu vốn cụ thể là ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn ngân sách nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... là 3.268,8 triệu USD (62,42%). Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công. Đặc biệt, chỉ sử dụng vốn ngân sách nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đã đề nghị giải trình rõ thêm việc giảm mạnh vốn đầu tư, đồng thời với đó là việc giảm diện tích sử dụng đất cho dự án, phân kỳ thu hồi đất...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề: “Đây là sân bay quốc tế, sân bay trung chuyển thì trung chuyển cho 3 nước: Philippines, Indonesia Australia. Nhưng vị trí này đối với Philippines và Indonesia lại quá gần nên chỉ trung chuyển được cho Australia thôi. Vậy vai trò trung chuyển của sân bay này ở đâu? Nội địa chỉ chiếm 20%, vậy khi hoàn thành 3 giai đoạn có đạt được 100 triệu lượt hành khách/năm hay không?”. Ông Phùng Quốc Hiển nói thêm: “Cơ chế tài chính là cấp vốn không hoàn lại với ngân sách không tập trung hay cấp vốn như cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh? Trong các báo cáo đều đề cập đến các khoản ngoài ngân sách. Trong đó có khoản nào Chính phủ bảo lãnh không? Quản lý thu hồi vốn như thế nào vẫn chưa được làm rõ”...

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận định: “Tới đây, khi trình dự án, chắc chắn Quốc hội sẽ hỏi nhiều về cơ cấu vốn, hiệu quả đầu tư… Dự án được điều chỉnh lớn, cần phải giải trình rõ”. Bà Tòng Thị Phóng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoàn thiện phương án thu hồi đất và lưu ý thêm: “Với diện tích thu hồi đất lên đến hàng ngàn hécta, liên quan nhiều ngành, địa phương thì đề án thu hồi đất, di dân tái định cư phải là dự án riêng và cũng phải do Quốc hội quyết định chứ không thể chỉ giao cho tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, cũng cần có đề án riêng về chuyển đổi đất quốc phòng sang phát triển kinh tế. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo thêm với Quốc hội về phương thức phối hợp quản lý, sân bay lưỡng dụng để đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Quang cảnh phiên họp UBTV Quốc hội. Ảnh: LÃ ANH

Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lắng nghe và phát biểu tiếp thu ý kiến nhiều thành viên trong UBTVQH. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, lần này Chính phủ trình với Quốc hội cả chủ trương đầu tư chung và báo cáo tiền khả thi giai đoạn 1 của dự án. Dự kiến công suất sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn là 100 triệu hành khách/năm; nhưng sau từng giai đoạn sẽ tùy hoạt động thực tế để điều chỉnh phù hợp. Số vốn như đã trình là ước tính tối đa và nếu Chính phủ đồng ý cho giữ lại toàn bộ số vốn do cổ phần hóa doanh nghiệp trong ngành cũng như sau khi tư nhân hóa Cảng HKQT Long Thành, Cảng hàng không Phú Quốc (như đề nghị của ngành) thì việc thu xếp vốn không đáng ngại. Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hiện tất cả các cảng hàng không hoạt động đều đang có lãi, nên hiệu quả kinh doanh của Cảng HKQT Long Thành là khả quan. Các vấn đề khác như đánh giá tác động môi trường, phương án đấu thầu, trong đó có đấu thầu lựa chọn trang thiết bị, khoa học công nghệ… đều sẽ được nghiên cứu đầy đủ trong giai đoạn làm báo cáo khả thi dự án.

Rành mạch phân cấp thu - chi

Trình bày báo cáo về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, do nội dung tiếp thu, giải trình phức tạp, cần lấy ý kiến rộng rãi, tạo sự đồng thuận giữa các ngành, địa phương nên để bảo đảm quy định có tính khả thi cao, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo đồng kiến nghị Quốc hội tiếp tục xem xét cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 9 (thay vì thông qua luật ngay tại kỳ họp này); xem xét thông qua dự thảo luật vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015). Việc Quốc hội thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10 vẫn đảm bảo thời gian tổ chức hướng dẫn thực hiện luật vì dự kiến luật có hiệu lực từ 1-1-2017.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiên quyết yêu cầu: “Khó mấy cũng phải làm xong ngay trong kỳ họp tới (kỳ họp thứ 9), song song với Luật Chính quyền địa phương; bởi lùi lại sẽ có rất nhiều bất cập. Nếu cần, có thể xin với Quốc hội kéo dài thêm thời gian họp để bàn cho thấu đáo”.

Trong số các vấn đề cụ thể đáng lưu ý, về các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo dự thảo luật, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo các nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt. Quan điểm về phân cấp các khoản chi ngân sách trung ương - ngân sách địa phương cũng còn nhiều điểm khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, một số giải trình trong báo cáo thẩm tra chưa thật sự thuyết phục. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, quan điểm của cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra về việc phân cấp thu - chi giữa ngân sách trung ương - ngân sách địa phương cũng chưa rõ ràng, thuyết phục. Đặc biệt, vẫn tồn tại rất nhiều loại quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhưng lại không được hạch toán cân đối ngân sách. Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Theo Chủ tịch Quốc hội, tới đây phải hạch toán đúng, đủ mọi khoản thu - chi và bội chi ngân sách nhà nước. “Sẽ không có chuyện có 2 loại bội chi không rành mạch như hiện nay. Lệ phí cũng phải tính vào ngân sách hết, phí thì không. Phải dứt khoát như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nói. Về thưởng vượt thu, theo Chủ tịch Quốc hội, khi đã phân cấp trung ương - địa phương rõ ràng rồi thì vẫn nên có thưởng vượt thu để khích lệ địa phương, vấn đề là tỷ lệ trích lại hợp lý.

Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển

Cũng trong buổi sáng 26-2, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu đề nghị của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển và việc cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi giấy phép nhận chìm ở biển. Dự thảo cũng đã quy định phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển, theo đó UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được cấp phép nhận chìm ở khu vực biển ven bờ; các khu vực khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Trong buổi chiều, bên cạnh việc cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến của dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), UBTVQH còn cho ý kiến về phương án phân bổ vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015.

ANH THƯ


>>Chính phủ quy định danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển

Tin cùng chuyên mục