Giảm áp lực vay vốn

Lãi vay cao hơn lợi nhuận
Giảm áp lực vay vốn

Ngày 4-4, UBND TPHCM đã tổ chức buổi họp cùng các bộ ngành giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM. Tham dự có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn... Các vấn đề “nóng” như thiếu vốn, lãi suất quá cao, ngoại tệ khan hiếm… đã được DN đặt lên bàn các vị lãnh đạo.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: THANH TÂM

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: THANH TÂM

Lãi vay cao hơn lợi nhuận

“Nói về vấn đề lãi suất, chúng ta chưa sòng phẳng với nhau” - lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TPHCM nói. Bởi theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, lãi suất huy động 14%/năm và được niêm yết công khai, còn lãi suất cho vay ở mức 17% - 18%. “Thế nhưng, trên thực tế một số ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất huy động từ 15% - 18%, tùy vào quy mô ngân hàng, thời điểm huy động và số lượng tiền gởi” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nói. Chính việc vượt trần lãi suất huy động dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng, ngân hàng nào tuân thủ đúng quy định sẽ bị giảm và thiếu hụt nguồn vốn. Khi thiếu hụt nguồn vốn thì ngân hàng phải vay lại trên thị trường liên ngân hàng, mà trên thị trường liên ngân hàng ưu thế luôn thuộc về các ngân hàng lớn, như vậy các ngân hàng nhỏ đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Điều đó dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng và cuối cùng là rủi ro cho toàn hệ thống. Hơn nữa, khi lãi suất huy động cao đến 18%, lãi suất cho vay phải cao hơn, từ 18% - 22%. Với mức lãi suất cho vay cao như vậy sẽ cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp. “Lãi suất quá cao, lợi nhuận doanh nghiệp không thể đạt bằng lãi suất” - ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TP, nói.

Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được TPHCM cho vay vốn với lãi suất 0% trong 12 tháng. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được TPHCM cho vay vốn với lãi suất 0% trong 12 tháng. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, cho rằng: “Vốn và lãi suất hiện là vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp “khóc” vì thiếu vốn. Lãi suất cao như thế, nếu không vay cũng chết, mà vay cũng chỉ là kéo dài sự chết mà thôi!”. Một lãnh đạo khác thì nói rõ, lãi suất cao như vậy mà cho doanh nghiệp vay chẳng khác nào đưa liều thuốc độc cho doanh nghiệp uống, bởi doanh nghiệp không thể nào sản xuất kinh doanh với lợi nhuận cao như thế để đủ tiền trả lãi suất.

Thế nhưng, theo ông Trần Phương Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, lãi suất chỉ chiếm vài chục phần trăm trong giá thành sản phẩm nên không thể so sánh tỷ lệ lợi nhuận với lãi suất được. Và vấn đề vốn vay không chỉ là áp lực đối với doanh nghiệp mà còn là áp lực của các ngân hàng. “Nếu ngân hàng không huy động được vốn thì không thể giảm lãi vay và cũng không có vốn để cho vay” - ông Trần Phương Bình nói.

Số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP cho thấy, đến cuối tháng 3, tổng huy động vốn tăng 0,32% so với cuối năm 2010. Mặc dù tỷ lệ tăng thấp nhưng thể hiện cầu vốn tăng nhanh hơn cung vốn, điều này cũng gây áp lực lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, theo thống kê, bình quân nợ xấu ở các ngân hàng ở mức 3,1%/tổng dư nợ, thế nhưng, có một số ngân hàng có dư nợ xấu cao trên 5%, thậm chí đến 10%, dẫn đến tình trạng các ngân hàng phải huy động với lãi suất cao để đảm bảo đủ nguồn thu cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Vi phạm về lãi suất: Sẽ bị rút phép kinh doanh

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu quyết liệt: Các ngân hàng phải chấp hành lãi suất, nếu chi nhánh ngân hàng nào vi phạm sẽ xem xét đến phương án rút giấy phép kinh doanh chi nhánh. Đồng thời, giải quyết vấn đề làm sao ngân hàng đảm bảo được dư nợ tín dụng dưới 20% và vẫn đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh, buộc các ngân hàng phải tính toán, báo cáo lại cơ cấu tín dụng, để từ đó điều chỉnh lại cơ cấu tín dụng, hướng dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như kết luận của ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, thì 4 yếu tố: vốn - giá - lãi suất và cơ chế chính sách tác động đến nền kinh tế rất nặng nề. Trong đó, vốn và cơ chế chính sách đang làm cho “sức khỏe” của doanh nghiệp trở nên nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đang “khát” ngoại tệ, thậm chí có doanh nghiệp phải giãn tiến độ mua thiết bị khi hợp đồng đã ký, nhưng không mua được USD để thanh toán. Một bất cập khác là khi doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng thì buộc phải bán theo giá niêm yết của ngân hàng nhưng khi muốn thanh toán thì ngân hàng nói là không có ngoại tệ để bán. Doanh nghiệp muốn mua phải qua “môi giới” của ngân hàng để mua lại USD của doanh nghiệp khác với giá cao hơn.

Vấn đề tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do cũng gây nhiều tranh cãi trong hội nghị. Theo con số thống kê thì đến nay việc kinh doanh vàng miếng của Công ty SJC giảm 20% và P&J giảm 50% nhưng vàng nhẫn lại tăng cao. Ông Huỳnh Văn Minh cho rằng, vàng nữ trang thì phải mua chỗ nào bán chỗ đó chứ cửa hàng khác không chấp nhận vì vàng không đủ tuổi. Đó là chưa kể, khi chuyển thành vàng nữ trang vừa tốn chi phí vừa làm giảm tuổi của vàng. Do vậy, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC đề nghị, nên công nhận thị trường vàng là một bộ phận của thị trường tiền tệ bằng cách thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để loại bỏ thị trường ngầm và chống buôn lậu vàng qua biên giới. Đồng thời thu hẹp phạm vi đối tượng sản xuất kinh doanh vàng miếng để người dân được mua bán vàng miếng tại các doanh nghiệp được phép và cho huy động vốn bằng vàng. Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Giàu khẳng định, hiện nay người dân được mua bán và nắm giữ vàng bình thường. Việc cất giữ vàng miếng vẫn được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương còn giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp như thuế, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên thị trường…

* Tại hội nghị, thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế như: Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để có đủ nguồn đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp; kiến nghị Bộ Tài chính giãn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ổn định thuế khoán; nâng mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người dân tăng lên; kiến nghị Bộ Công thương đảm bảo nguồn cung ứng điện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh…

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục