Nhếch nhác với xe tự chế
Theo Sở TN-MT TPHCM, mục tiêu đến năm 2020, có 60% lượng rác thải tại thành phố phải được tái chế, đốt phát điện. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia môi trường, mục tiêu trên không dễ hoàn thành.
Lý giải vấn đề này, các chuyên gia chỉ rõ, hạ tầng tiếp nhận thu gom, quét dọn rác thải của thành phố chưa hoạt động theo quy mô công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cụ thể, 60% lượng rác phát sinh tại hộ gia đình do lực lượng thu gom rác dân lập đảm nhận, nhưng trang thiết bị, phương tiện chở rác mà lực lượng này sử dụng vẫn là xe thô sơ, xe ba gác, xe lôi thùng tự chế…
Tổ chức nhân sự cũng không xác định được, bởi mỗi tuyến đường, khu vực thu gom do một cá nhân sở hữu và họ ít khi xuất hiện. Còn nhân sự thu gom rác trực tiếp tại hộ gia đình chỉ là nhân công lao động phổ thông được thuê làm việc.
Ở một số tổ chức nghiệp đoàn, hợp tác xã thu gom rác dân lập, tuy có xác định được tổ chức, nhân sự hoạt động, nhưng khả năng cải tạo trang thiết bị thu gom cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Tống Văn Thơm, đại diện Nghiệp đoàn thu gom rác quận 5, cho biết để đầu tư xe thu gom rác phân loại theo chuẩn của thành phố, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Chưa kể còn thuê người vận hành phương tiện, người thu gom rác tại hộ gia đình. Riêng tại đơn vị phải có thêm chi phí kế toán, điều hành… nhưng khoản thu từ các hộ gia đình không đủ bù chi.
Thực tế này dẫn đến hệ quả tình trạng xe tự chế thu gom rác vẫn xuất hiện khắp các khu phố. Nước rỉ rác cùng với mùi hôi từ xe thu gom rác tự chế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dọc các tuyến đường xe đi qua.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lưu, ngụ đường Học Lạc, quận 5, TPHCM, than rằng ngày nào đi làm cũng phải “ngửi” mùi hôi từ xe thu gom, quét dọn rác thải. Đặc biệt vào khung giờ cao điểm, xe rác mắc kẹt giữa dòng phương tiện tham gia giao thông khác, khiến những người đi đường “nín thở” vì mùi hôi. Gần đây, do người dân phản ứng quá nhiều nên họ dịch chuyển giờ thu gom rác vào khoảng 9 - 10 giờ sáng nên có đỡ ảnh hưởng hơn tới mọi người.
Ở góc độ khác, đại diện các công ty dịch vụ công ích quận huyện cho biết thêm, do lực lượng thu gom rác dân lập không được tổ chức, điều hành theo quy định, nên luôn xảy ra tình trạng không đảm bảo thời gian, cũng như tần suất thu gom rác trong khu dân cư. Rất nhiều trường hợp, không thu gom rác nhiều ngày, khiến lượng rác bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân trong khu dân cư. Hoặc có thu gom nhưng không tuân thủ thời gian tập kết rác tại điểm hẹn với công ty dịch vụ công ích quận huyện, chưa thực hiện khâu phân loại rác…
Phát huy mô hình khu phố xanh
Theo Sở TN-MT TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 80 công ty tư nhân, 12 hợp tác xã, 2 nghiệp đoàn và 2.200 tổ lấy rác dân lập. Lực lượng này đang sử dụng gần 2.200 phương tiện tự chế như xe lôi, xe kéo, xe ba gác…
Ngoài ra, trên đia bàn thành phố còn có lượng lớn trang thiết bị thu gom rác của các công ty dịch vụ công ích quận huyện và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM. Dự tính khoảng gần 3.500 phương tiện thu gom tại nguồn, bao gồm thùng 660 lít, 240 lít và xe ép rác, vận chuyển rác chuyên dụng…
Để có thể chuyển đổi hiệu quả chất lượng thu gom, quét dọn rác thải trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (thuộc Sở TN-MT TPHCM), cho hay thời gian qua thành phố đã triển khai chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thu gom, quét dọn rác thải tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường, ngân hàng với lãi suất ưu đãi để chuyển đổi phương tiện thu gom, quét dọn rác thải; tuy nhiên, hiệu quả không cao. Nhiều nghiệp đoàn, hợp tác xã không mặn mà bởi cho rằng chi phí thu gom, quét dọn rác thải thấp, không đủ bù cho hoạt động tái đầu tư trang thiết bị.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều đơn vị nỗ lực đầu tư đổi mới trang thiết bị. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM đã trang bị phương tiện thu gom hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thành phố. Thế nhưng, hiệu suất sử dụng trang thiết bị của đơn vị không được khai thác tối đa do khu vực thu gom rác bị hạn chế và phân tán cho quá nhiều đơn vị khác. Công ty hiện chỉ quản lý và thực hiện mô hình này tại quận Tân Phú và quận Bình Tân, chứ không thể mở rộng trên toàn địa bàn thành phố.
Riêng với chủ trương thực hiện phân loại rác tại nguồn, chỉ có thể thực hiện được khi có đầy đủ trang thiết bị thu gom theo phân loại, nhân lực bố trí thu gom cũng phải theo mô hình phân loại rác đã áp dụng xuống khu dân cư. Kinh nghiệm thực hiện thành công mô hình Khu phố xanh - duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn từ năm 2013 ở quận Tân Phú, đến nay đã chứng minh điều đó.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, TPHCM là đô thị đặc biệt với hơn 10 triệu dân. Và với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học khoảng 200.000 người/năm, gây áp lực hạ tầng quét dọn, thu gom rác là rất lớn. Do vậy, thành phố nên sớm thay đổi mô hình tổ chức thu gom, quét dọn rác thải đô thị hiện nay. Cần thiết giảm phân tán đầu mối thu gom theo hướng tinh gọn và chất lượng. Sớm ban hành tiêu chuẩn chung về năng lực cung ứng dịch vụ công và chỉ cho phép những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực về cơ sở vật chất, nhân lực mới được tham gia thực hiện dịch vụ công. Kế đến, xây dựng lại đơn giá trả cho hoạt động thu gom, quét dọn rác thải phù hợp với khối lượng rác thải thực tế. Việc trả chi phí dịch vụ vệ sinh môi trường cũng cần được minh bạch và kịp thời. Việc ban hành chuẩn chung này sẽ từng bước buộc các tổ chức, doanh nghiệp công hoặc tư nhân đang yếu kém về năng lực cung ứng dịch vụ phải tự hợp nhất, hoặc chuyển đổi nâng cao chất lượng hoạt động để tiếp tục duy trì việc thu gom, quét dọn rác thải. |