Giảm diện tích, tăng tái canh và định vị vùng trồng cà phê

Theo quy định mới của châu Âu, để cà phê Việt Nam vào thị trường này sẽ phải đảm bảo tiêu chí “không làm mất rừng”, nghĩa là cà phê không trồng trên đất do phá rừng mà có.

Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), về giải pháp để thích ứng với quy định mới này.

Ông Nguyễn Như Cường
Ông Nguyễn Như Cường

* Phóng viên: Thưa ông, sau IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đối với thủy sản thì chính sách mới của châu Âu đối với cà phê Việt Nam như thế nào?

- Ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG: Ngày 16-5-2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng châu Âu, còn gọi là Quy định nông sản không gây mất rừng (EUDR). Ngày 29-6 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị sản xuất và cung ứng nông sản không gây mất rừng theo quy định của Liên minh châu Âu.

Theo quy định mới này, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như gỗ và lâm sản, cao su, đặc biệt là cà phê, khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải đáp ứng yêu cầu 100% có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó để xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

* Ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách này?

- Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, có thể sẽ bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng. Trong đó, EUDR là một thách thức với ngành cà phê Việt Nam, nhưng theo tôi cũng không phải lớn. Chúng ta hoàn toàn có những cơ chế, chính sách và giải pháp kỹ thuật để đáp ứng và thích ứng với quy định này.

Ngược lại, tôi đánh giá đây cũng chính là cơ hội để cà phê Việt Nam phát triển bền vững, thích ứng với các quy định của thị trường thế giới. Về chất lượng, hiện cà phê Việt Nam đã đáp ứng được. Trong thời gian tới, không chỉ cà phê mà với nhiều loại nông sản khác sẽ phải đáp ứng thêm các yêu cầu mới, nhất là về môi trường (xanh hóa, bảo vệ rừng) và phát triển bền vững. Theo đánh giá của tôi, những quốc gia phát triển mạnh cà phê và là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam có thể còn chịu ảnh hưởng lớn hơn Việt Nam.

Người dân ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch cà phê. Ảnh: MAI CƯỜNG
Người dân ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch cà phê. Ảnh: MAI CƯỜNG

* Vậy làm sao để chứng minh cà phê của chúng ta đảm bảo tiêu chí “không làm mất rừng”?

- Theo quy định, châu Âu chỉ quan tâm những diện tích trồng sau năm 2020. Hiện diện tích cà phê mà chúng ta trồng sau năm 2020 có rất ít, có thể nói là không đáng kể. Tới đây, khi thực hiện quy định EUDR, sẽ không có tình trạng phá rừng để trồng cà phê. Diện tích hiện có, chủ yếu là chúng ta tái canh trên diện tích đã có trước năm 2020, thậm chí trước năm 2000 từ rất lâu, nên cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng gì.

* Theo quy định thì từng vườn cà phê xuất khẩu phải được “định vị” để xác nhận là không trồng trên đất rừng. Việc này liệu có thực hiện được không, thưa ông?

- Cây cà phê có lợi thế là cây dài ngày, đã được cố định ở một diện tích, vị trí cụ thể. Do đó, với công nghệ như hiện nay, chỉ cần dùng điện thoại di động cũng có thể định vị được, chúng ta hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc của lô cà phê xuất khẩu.

* Nhưng, nếu không mở rộng được diện tích, chúng ta sẽ không đủ cà phê để xuất khẩu?

- Hiện nay, chúng ta đang thay đổi tư duy trồng trọt, chuyển từ chú trọng diện tích sang chú trọng năng suất gắn với chất lượng, áp dụng quy trình canh tác theo các tiêu chuẩn được nhà nhập khẩu chấp nhận, ví dụ như tiêu chuẩn RainForest, 4C…

Từ chủ trương đó, diện tích cà phê những năm gần đây đã có xu hướng giảm. Năm 2021, cả nước có hơn 710.000ha, đến cuối năm 2022 đã giảm 110.000ha, còn khoảng 600.000ha. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ sản lượng cà phê xuất khẩu, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương rà soát, giữ diện tích ở những vùng có lợi thế, năng suất tốt; trên cơ sở đó, áp dụng các giải pháp canh tác kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT đã ban hành chương trình tái canh cà phê (thay thế giống già cỗi, chất lượng không cao bằng giống tốt hơn). Giai đoạn trước, kế hoạch tái canh là 120.000ha; đến năm 2021 (kết thúc giai đoạn), diện tích tái canh đạt 170.000ha (trên tổng số 710.000ha, vượt kế hoạch 50.000ha). Kế hoạch giai đoạn 2022-2025, tiếp tục tái canh khoảng 107.000ha. Nhờ chủ trương tái canh cà phê mà chúng ta không cần tăng diện tích mà vẫn đảm bảo được sản lượng và chất lượng.

Để đảm bảo nguồn gốc cà phê hợp pháp, Bộ NN-PTNT sẽ có hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng cho từng vườn. Đây là cơ sở để xác định và định vị được lô cà phê đó ở đâu, cũng như có thể giám sát được toàn bộ quá trình lẫn quy trình sản xuất có hợp pháp, đúng tiêu chuẩn không?

Ông Nguyễn Như Cường

Tin cùng chuyên mục