Hơn một năm qua, lãi suất cao đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thoi thóp, thậm chí thua lỗ và phá sản. Với những tín hiệu giảm lãi suất đầu tiên cũng sẽ làm bật lên tia hy vọng cho sự hồi sinh của doanh nghiệp.
Chiếc “phao” cho doanh nghiệp
Mới đây, thông tin cho biết Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa có quyết định hạ lãi suất cho vay trên toàn hệ thống ngân hàng này kể từ ngày 9-2 với mức bình quân 2%/năm. Cụ thể, lãi suất cho vay bằng VNĐ đồng loạt được kéo xuống, cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn còn 17%/năm, lãi cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm.
Trước đó, giữa tháng 12-2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ còn 14,5%-15,5%/năm từ ngày 19-12-2011 nhằm tài trợ hàng xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục bão lũ. Được biết, đây là lần thứ 5 liên tiếp trong vòng 4 tháng cuối năm 2011, BIDV giảm lãi suất cho vay VNĐ.
Như vậy, đã có hai “ông lớn” đầu tiên trong ngành ngân hàng tiên phong hạ lại suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh mà hầu hết các doanh nghiệp đang “hấp hối” thì thông tin hạ lãi suất như một chiếc “phao” và được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí lãi vay đã đè nặng họ hơn một năm qua.
Tính sơ bộ, đến nay đã có khoảng hơn 570 doanh nghiệp trong tổng số 694 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý 4-2011, ước tính có khoảng 55 doanh nghiệp thua lỗ và 60% doanh nghiệp có lợi nhuận giảm.
Bất động sản là nhóm doanh nghiệp điển hình phải chịu áp lực của chi phí lãi vay ngân hàng. Chẳng hạn như Công ty Địa ốc Sacomreal, chi chí lãi vay trên báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2011 là 250 tỷ đồng/532 tỷ đồng doanh thu thuần. Trường hợp khác là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc lỗ lũy kế hơn 52 tỷ đồng trong năm 2011. Chi phí lãi vay ngân hàng của Kinh Bắc lên đến 252,5 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần chỉ có 88 tỷ đồng. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp còn phải chịu một khoản lãi vay lớn hơn nhiều so với con số hạch toán trên báo cáo tài chính do lãi suất một phần đã bị vốn hóa.
Điều đó cho thấy lãi suất ngân hàng cao thực sự là một gánh nặng khủng khiếp mà nhiều doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian dài vừa qua. Trong Nghị quyết 03 của Chính phủ ban hành ngày 8-2-2012 đã giao nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng để các tổ chức này ưu tiên vốn cho một số lĩnh vực và có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý 1 năm 2012. Đặc biệt, Chính phủ còn yêu cầu NHNN phải theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp.
Cơ sở kỳ vọng
Trở lại sự kiện BIDV và Vietcombank “nổ những phát pháo” đầu tiên hạ lãi suất, rõ ràng đây là tín hiệu tốt mà nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào sức lan tỏa rộng rãi đến các tổ chức tín dụng khác.
Cơ sở cho hạ lãi suất đang được ủng hộ bởi các yếu tố vĩ mô như lạm phát tháng 1-2012 (trùng tháng tết âm lịch) chỉ còn tăng khoảng 1%, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Như vậy điều kiện đầu tiên là khống chế thành công lạm phát sẽ làm giảm được lãi suất mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nêu ra dường như đã bắt đầu được đáp ứng.
Hơn nữa, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định lạm phát của Việt Nam trong năm 2012 dự báo có thể kiểm soát được ở mức 8%-9% và đến năm 2013, con số này sẽ dao động quanh mức 6%-7%. Nếu hiện thực hóa được mục tiêu giảm lạm phát xuống còn một con số thì đây sẽ là tiền đề tốt để thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ hạ lãi suất cho NHNN trước sức ép lớn bởi khó sự khăn của doanh nghiệp.
Như vậy, nếu việc giảm lãi suất sớm được thực hiện thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội để hồi sinh. Không những áp lực lãi vay giảm xuống mà doanh nghiệp còn dễ tiếp cận vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh những quan điểm lạc quan thì vẫn có nhiều ý kiến lo ngại lãi suất vẫn chưa thể giảm ngay được do những căng thẳng của hệ thống ngân hàng vẫn chưa hề chấm dứt và lãi suất liên ngân hàng còn ở mức cao. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc ngân hàng cũng là một rào cản khiến lãi suất khó giảm ngay do hệ thống ngân hàng sẽ còn nhiều xáo trộn.
PHÚ THUẬN