Giảm lãi suất, khơi thông dòng vốn

Lãi suất ổn định đến cuối năm
Giảm lãi suất, khơi thông dòng vốn

Hôm qua, 11-6, hầu hết các ngân hàng thương mại đã giảm trần lãi suất huy động xuống 9%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lãi suất huy động giảm mạnh, kéo theo giảm mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng là một trong những giải pháp khơi thông dòng vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

VP Bank huy động lãi suất trên 9%/năm. Ảnh: Kim Ngân

VP Bank huy động lãi suất trên 9%/năm. Ảnh: Kim Ngân

Lãi suất ổn định đến cuối năm

Trao đổi với phóng viên SGGP, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, những quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này phù hợp với xu hướng kỳ vọng lạm phát, thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào, thị trường tiền tệ diễn biến theo xu hướng tích cực và ổn định. Mặc dù NHNN đồng thời quy định trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay ngắn hạn nhưng đối với mỗi loại hình trần áp dụng đều có sự linh hoạt đáp ứng yêu cầu điều hành theo chủ trương của Chính phủ. Đối với trần lãi suất huy động đã có sự thay đổi so với thời gian trước, chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi đến 12 tháng. Lãi suất dài hạn cao hơn ngắn hạn, thay vì hướng đi ngược lại trước đây. Hơn thế, quy định các TCTD được thỏa thuận lãi suất cho các kỳ hạn trung và dài hạn trên cơ sở cung cầu vốn trên thị trường là cơ sở để các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn kỳ hạn theo hướng tốt lên. Và đây cũng là bước đi để tiến tới dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi tối đa đối với VNĐ trong thời gian tới.

Đánh giá cao động thái giảm lãi suất của NHNN, một số định chế tài chính quốc tế dự báo lãi suất có thể tiếp tục được cắt giảm sâu hơn trong thời gian tới. Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital, lãi suất cân bằng của kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 9% hiện tại và nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục giảm thêm 2% - 3% từ nay tới cuối năm. Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới công bố, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, với áp lực lạm phát tiếp tục suy yếu, NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2% trong những tháng tới. Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, lãi suất huy động hiện nay đã đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của người gửi tiền cũng như người đi vay, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng xuống thấp. Ông Hưng khẳng định, NHNN sẽ giữ ổn định lãi suất tới cuối năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thể lường trước, không phải chịu các cú sốc về mặt tài chính và cũng tránh tình trạng kỳ vọng để đầu cơ tỷ giá.

Khơi thông dòng vốn

Lãi suất giảm mạnh là tin mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhưng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, khả năng tiếp cận tín dụng của DN là không dễ dàng. Khơi thông dòng vốn để tiếp sức cho nền kinh tế đang suy yếu là bài toán lớn cần có lời giải trong thời gian tới. Theo đánh giá của các chuyên gia, các quyết định điều chỉnh lãi suất lần này được cho là hài hòa lợi ích của cả 3 nhà: ngân hàng – doanh nghiệp – người gửi tiền (nhà đầu tư). Mức lãi suất tiền gửi 9%/năm vẫn đảm bảo mức lãi thực dương cho người gửi tiền. Trong khi đó, doanh nghiệp được tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn, đặc biệt, là đối với 4 lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng đảm bảo được chi phí hoạt động, dự phòng chi trả và có mức lợi nhuận hợp lý.

Một số ý kiến cho rằng, cùng với việc giảm lãi suất đối với các khoản vay mới, các ngân hàng nên chủ động giảm lãi suất với các khoản vay cũ (với lãi suất lên tới 19% - 20%/năm). Có vậy mới thực sự hỗ trợ và giúp DN vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, thời gian qua các ngân hàng luôn chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay theo tín hiệu thị trường. Các khách hàng kinh doanh hoạt động càng tốt càng có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn rẻ. Hiện có hơn 50% các DN tốt của Agribank đã được tiếp cận với mức lãi suất mới khi vòng quay vốn của họ nhanh và hiệu quả.

TS Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, so với thời gian trước đây, ngân hàng không tăng thêm bất kỳ điều kiện tín dụng nào. Thậm chí, đối với những DN khó khăn tạm thời, ngân hàng còn cho cơ cấu lại nợ để có thể tiếp tục vay những dự án khả thi. “Như vậy có thể nói là ngân hàng đã hơi nới lỏng một chút với các điều kiện cho vay. Ngân hàng hiện nhìn các DN tốt theo hướng tích cực”. Tuy nhiên, theo ông Bảo, chính sách tiền tệ có hiệu ứng trong nền kinh tế không chỉ ngày một ngày hai. Bởi về phía DN họ cũng phải chuẩn bị các điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn mới. Với kinh nghiệm từng chủ trì triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất năm 2009 khi còn làm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, TS Nguyễn Ngọc Bảo dự báo lần điều chỉnh lãi suất này sẽ phải mất khoảng 2-3 tháng mới thấy hiệu ứng rõ rệt.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục