Giảm lạm phát, hạ lãi suất: Cần chính sách tương thích

Dự kiến quý I -2010 Việt Nam tăng trưởng ở mức 6%, cao hơn quý I - 2009 nhưng thấp hơn quý IV-2009. Đây là tín hiệu khả quan về mức độ hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề đặt ra để ổn định kinh tế vĩ mô như: kiểm soát lạm phát, nhập siêu…
Giảm lạm phát, hạ lãi suất: Cần chính sách tương thích

(SGGP-ĐTTC).- Dự kiến quý I -2010 Việt Nam tăng trưởng ở mức 6%, cao hơn quý I - 2009 nhưng thấp hơn quý IV-2009. Đây là tín hiệu khả quan về mức độ hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề đặt ra để ổn định kinh tế vĩ mô như: kiểm soát lạm phát, nhập siêu…

“Bắt mạch” và chẩn trị lạm phát

CPI tháng 3 vào khoảng 0,7% cộng với 2 tháng đầu năm, dự kiến quý I-2010 CPI nước ta khoảng 4,05%. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, năm nay kiểm soát lạm phát dưới 10% là thành công lớn. Nhưng để kiểm soát được lạm phát phải xác định đúng bệnh của nó. Có thể nhận diện những nguyên nhân dễ gây ra lạm phát trong năm 2010 như sau: Kinh tế thế giới phục hồi dẫn đến giá cả tăng, nhất là giá nguyên vật liệu đầu vào; giá dầu thô sẽ nhích lên theo đà phục hồi của kinh tế thế giới; điều chỉnh giá USD thời điểm trước Tết; chấm dứt hỗ trợ lãi suất ngắn hạn làm chi phí lãi vay doanh nghiệp tăng; điều chỉnh tăng tiền lương; điều chỉnh giá điện, than, nước… tác động đến mặt bằng giá cả chung; độ trễ của cung tiền và bội chi ngân sách của gói kích cầu.

Tóm lại, năm 2010 nền kinh tế phải đối mặt với những nhóm nguyên nhân nội tại và ngoại lai, tác động về chi phí đẩy và tổng cầu sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Vì vậy chính sách tiền tệ phải tương thích với các nhóm nguyên nhân này. Nếu do chi phí đẩy, không được thắt chặt tiền tệ; ngược lại nếu do tổng cầu tăng, phải thắt chặt tiền tệ. 

Ổn định và kiểm soát giá xăng dầu là giải pháp chủ lực kiềm chế lạm phát. Ảnh: LÃ ANH

Ổn định và kiểm soát giá xăng dầu là giải pháp chủ lực kiềm chế lạm phát. Ảnh: LÃ ANH

Nghị quyết 12 của Chính phủ vừa ban hành đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm túc những giải pháp này. Nhưng đi sâu vào một số nguyên nhân, cần có hướng giải quyết cụ thể: Nếu giá cả thế giới tăng, phải có chính sách hỗ trợ dài hạn cho doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu trong nước và hạn chế nhập khẩu.

Kiểm soát nhập siêu ngoài góp phần kiểm soát được lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán còn giải quyết vấn đề về tỷ giá. Nước ta nhập siêu chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ… Phải có chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên liệu đầu vào để hạn chế nhập khẩu. Những mặt hàng nào trong nước đã sản xuất được nên tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu hạn chế tín dụng hàng nhập khẩu tiêu dùng không cần thiết; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và giảm đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Ngân sách phải chấp nhận hy sinh một khoản thu nhất định để chi cho trượt giá. Những giải pháp khác là giảm thuế, giảm phí đối với mặt hàng xăng dầu; tăng cường chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Những ngày qua giá dầu thô sau khi tăng lên 82USD/thùng rồi giảm xuống 79USD/thùng, sau đó lại lên 81USD/thùng, nhiều đơn vị nhập khẩu đề xuất tăng giá nhưng Bộ Tài chính không đồng ý bởi biến động này chưa lớn, chưa ảnh hưởng đến thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cũng chủ trương không tăng giá điện, giá than từ nay đến cuối năm. 

Điều hành lãi suất linh động

NHNN vừa có tờ trình về thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến. Quyết định này có thể sẽ ban hành trong nay mai. Riêng về trần lãi suất huy động hiện vẫn còn nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau. Theo tôi, trước mắt chưa nên bỏ lãi suất trần huy động. Hiện nay một số ngân hàng vẫn biểu hiện thiếu thanh khoản. Việc bỏ trần sẽ dẫn đến hỗn loạn thị trường, kéo theo cuộc đua lãi suất mới, gây ách tắc vốn đầu vào lẫn đầu ra. Vì thế, việc bỏ trần lãi suất huy động cần có thời gian.

Đầu tuần này NHNN đã ban hành Thông tư 08 quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Đây là quyết định có tính chất răn đe đối với các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán và không có khả năng thu hồi. Đồng thời NHNN cũng đang tiến hành mở đợt thanh tra các NHTM huy động vốn trên thị trường 2. Những việc làm này nhằm đưa hệ thống NHTM trở lại guồng máy hoạt động ổn định trong phạm vi pháp luật quy định. Sau đó mới có thể yên tâm với việc tự do hóa lãi suất cả cho vay và huy động.

Trong nền kinh tế thị trường, trần lãi suất huy động phải phù hợp với mặt bằng giá cả. Hiện nay trần lãi suất huy động phải ở mức 12% mới thu hút được vốn. Và lãi suất sẽ giảm dần theo khả năng kiểm soát lạm phát. Nếu Chính phủ kiểm soát lạm phát tốt, đưa lạm phát từ nay đến cuối năm xuống 7-8%, trần này sẽ hạ xuống còn 10%. Nếu đưa trần lãi suất đầu vào lên 12%, các NHTM cho vay 15%/năm, đôi bên đều cùng có lợi vì lãi suất tiền gửi đủ bù đắp trượt giá và với mặt bằng giá cả hiện nay mức lãi suất cho vay 15%/năm là chấp nhận được.

NHNN sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc để điều tiết cung tiền chủ động ngăn ngừa lạm phát cao. Nếu để lãi suất tăng quá cao sẽ tạo cho doanh nghiệp tâm lý không muốn làm ăn, cản trở phát triển kinh tế. Theo tôi trước mắt NHNN cần tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM để hạ dần lãi suất thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý.

Giá xăng dầu có hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Vì thế, ổn định và kiểm soát tốt giá xăng dầu là giải pháp chủ lực để kiểm soát lạm phát năm 2010. Thông thường giá xăng dầu lên, CPI sẽ lên nhưng khi giá xăng dầu giảm, CPI không xuống. Do đó cần hạn chế điều chỉnh lên rồi điều chỉnh xuống. Để làm được điều này phải xây dựng cơ chế đặc biệt, phải có quỹ bình ổn giá xăng dầu.  

PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia

Tin cùng chuyên mục