Giảm lượng hàng tồn kho - Cần giải pháp đồng bộ

4 tháng đầu năm, khó khăn không chỉ tác động đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, bất động sản mà đã lây lan sang cả các DN phân phối, dịch vụ. Lượng hàng tồn kho không ngừng gia tăng khiến các DN đã khó lại càng thêm khó.
Giảm lượng hàng tồn kho - Cần giải pháp đồng bộ

4 tháng đầu năm, khó khăn không chỉ tác động đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, bất động sản mà đã lây lan sang cả các DN phân phối, dịch vụ. Lượng hàng tồn kho không ngừng gia tăng khiến các DN đã khó lại càng thêm khó.

Sức mua chỉ tăng 6,1%

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải, sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 4-2012 có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, lượng hàng tồn kho ở một số mặt hàng đã giảm so với tháng 3 nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại vẫn thiếu sự bền vững do chưa thoát khỏi khó khăn chung. Sức mua hàng hóa trên thị trường trong tháng 4 có xu hướng tăng so với tháng 3, tuy nhiên mức tăng không đáng kể và thị trường tiếp tục kém sôi động. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng chỉ tăng 6,1%.

Sức mua hàng may mặc ngày càng giảm do người dân thắt lưng buộc bụng. Ảnh: CAO THĂNG
Sức mua hàng may mặc ngày càng giảm do người dân thắt lưng buộc bụng. Ảnh: CAO THĂNG

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 cho biết sức mua quần áo hiện nay rất thấp. Lượng hàng bán ra của công ty đã giảm từ 30%-40% so với cùng kỳ. Với những người có nhu cầu mua sắm quần áo, số lượng cũng như giá trị đơn hàng giảm tới một nửa so với những năm trước. Các hợp đồng đặt may đồng phục từ các đối tác cũng giảm mạnh.

Phó Tổng giám đốc một hệ thống siêu thị cũng cho rằng, chưa có năm nào lượng hàng tồn kho nhiều như năm nay. Theo kế hoạch, siêu thị nhập hàng đủ bán đến hết quý 1-2012 nhưng đã hết tháng 4, ở một số nhóm hàng, lượng hàng tiêu thụ mới chỉ đạt khoảng 60%-70% như hàng may mặc, giày dép, hàng gia dụng và hàng điện máy...

Theo ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn, khủng hoảng kinh tế buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các DN. Để điều phối lượng hàng hóa sản xuất phù hợp với sức mua thị trường, đồng thời tránh tình trạng hàng hóa bị tồn kho, mỗi DN phải có cách tính toán thận trọng hơn.

Ở Giấy Sài Gòn, những năm trước tỷ lệ hàng tồn kho luôn ở mức khá cao. Đây được xem là lượng hàng gối đầu cần thiết để ứng phó kịp thời khi sức mua tăng đột biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây công ty đã điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh và giảm lượng hàng tồn xuống mức thấp nhất. Theo ông Vị, thời gian lưu kho dài đồng nghĩa với gánh nặng về lãi vay, chi phí càng lớn đối với DN. Bên cạnh đó, công ty cũng huy động nhiều nguồn lực để có vốn lưu động với mức lãi suất thấp nhất nhằm tăng sức cạnh tranh.

Giảm thuế, tăng sức mua xã hội

Ông Nguyễn Hữu Toàn cho biết, từ cuối năm ngoái công ty đã giảm dần lượng hàng sản xuất hàng tháng, chỉ thực hiện theo đúng số lượng đặt hàng của các đối tác nhằm kiểm soát lượng hàng tồn kho. Tại một số DN do không lường trước sức mua ngày càng giảm, khiến lượng tồn kho tăng quá cao nên đành chọn giải pháp bán đổ bán tháo như mua 1 tặng 1 hoặc giảm giá 70%.

Giám đốc một DN may mặc cho biết với 2 nhóm mặt hàng có đặc trưng riêng về thời hạn sử dụng như quần áo thời trang và thực phẩm chế biến, khi sản phẩm đến giai đoạn cận đát (tức chuẩn bị sang mùa thời trang mới, hoặc sắp hết hạn dùng) thì việc giảm giá sâu là cần thiết. Mức giảm giá 70%-80% cũng rất bình thường, thậm chí có thể hơn nữa, nhằm bán hết hàng để thu hồi vốn và giải phóng kho, thay vì mang đi đổ bỏ hay tốn tiền thuê kho chứa hàng. Tại nhiều hệ thống siêu thị, do lượng hàng tồn nhiều nên một số nhóm hàng đã được bán ra với mức lãi bằng không, thậm chí bị lỗ.

Giảm giá bán là cách làm phổ biến, song không phải DN nào cũng đủ sức làm. Nguyên nhân chính vì nhiều DN phải cân nhắc đến nhiều yếu tố như giá thành và lãi nhằm đủ sức trang trải, duy trì bộ máy. Chưa kể nếu giảm giá quá sâu sẽ vi phạm luật…

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, để hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, cần có những quyết sách mang tầm vĩ mô. Điều quan trọng, Chính phủ cần miễn, giảm thuế VAT cho DN. Ví dụ, hàng tồn kho 10 đồng, khi được giảm VAT giá bán chỉ còn 9 đồng thì DN sẽ bán được nhiều hàng hơn, đẩy nhanh lượng hàng tồn kho. Khi tiếp cận được các chính sách này sẽ giúp DN giảm giá thành, tiết kiệm chi phí tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Ông Cao Tiến Vị cho rằng mức thuế VAT liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng. Nếu miễn thuế, giá hàng giảm sẽ góp phần thúc đẩy sức mua. Do vậy, Chính phủ cần giảm thuế trong giai đoạn dài hơn chứ không nên thực hiện trong vài tháng rồi ngưng. Làm như vậy sẽ không mang lại hiệu quả.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số tồn kho tính đến tháng 4-2012 đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng gần 102%; chế biến và bảo quản rau quả tăng gần 95%; phân bón và hợp chất ni tơ tăng trên 63%; xi măng tăng trên 44%; mô tô xe máy tăng gần 39%; chế biến và bảo quản thủy sản, sản phẩm từ thủy sản tăng trên 35%…


THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục