Các chương trình giảm nghèo nói riêng và các hợp phần khác của hệ thống an sinh xã hội cần phải tính đến cả nhóm dân di cư (DDC), không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu ở TP. Đó là kiến nghị chung được đưa ra tại hội thảo “Nghèo đô thị và phương pháp tiếp cận đa chiều trong giảm nghèo tại TPHCM”, do Cục Thống kê TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 3-8.
TPHCM hiện còn khoảng 103.791 hộ nghèo (chiếm 5,69% tổng hộ dân), trong đó có một phần là người có KT3. Liệu tỷ lệ nghèo thấp này đã phản ánh chính xác mức độ nghèo ở TPHCM chưa, khi đã bỏ sót đối tượng DDC – những hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu ở tỉnh, thành khác nhưng đang sống tại TPHCM – không đăng ký thường trú hoặc cư trú tạm thời? Trong khi DDC chiếm khoảng 20% - và luôn có xu hướng tăng lên - trong dân số TPHCM; tương ứng DDC cũng chiếm một phần lớn trong số những người nghèo của TPHCM.
Khắc phục hạn chế trên, cuộc Điều tra nghèo đô thị (UPS-09) vừa qua của Cục Thống kê TPHCM đã dành nhiều sự quan tâm đến DDC tại TPHCM, bên cạnh người thường trú. Ngoài phương pháp đo lường truyền thống về nghèo dựa trên khía cạnh kinh tế (thu nhập và chi tiêu), UPS-09 đã tiếp cận vấn đề nghèo đa chiều - đề cập cả khía cạnh xã hội như: giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an ninh.
Theo Cục Thống kê TPHCM, vẫn tồn tại chênh lệch về thu nhập cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa DDC và người có hộ khẩu ở TPHCM. DDC thường có trình độ học vấn thấp hơn. Do đó, đa phần DDC làm công việc lao động chân tay, làm trong các nhà máy mà không có bảo hiểm lao động. Dù DDC làm việc nhiều hơn đến 10 giờ/tuần, nhưng thu nhập cũng chỉ bằng 80% so với người thường trú. Họ chi ít cho giáo dục và y tế nhưng lại tốn một phần lớn tiền cho việc thuê nhà và hơn 62% DDC đang phải sống trong căn nhà chật chội.
Đáng chú ý, DDC không hộ khẩu có khoảng cách lớn trong tham gia các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi…) và hoạt động xã hội. Điều này cho thấy DDC chưa được hòa nhập với cộng đồng xung quanh hoặc chưa được chú ý nhiều trong các hoạt động xã hội…
Theo ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Khoa học – Xã hội VN), cần các giải pháp ở cấp quốc gia thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững, với một nội dung quan trọng là lập kế hoạch đô thị có tính đầy đủ đến tính lưu động của người lao động. Đồng thời, cần thúc đẩy các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp thuộc khu vực phi chính thức chuyển sang có đăng ký để mở rộng diện bao phủ của BHXH đến người lao động, trong đó có DDC. TP cần xác định DDC là một bộ phận cấu thành của bất cứ chương trình, chính sách giảm nghèo đô thị nào. Đây là bước đi cần thiết nhằm tách rời việc cung cấp các dịch vụ công với việc có hộ khẩu thường trú hay không, từ đó thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của DDC.
ĐƯỜNG LOAN