Giám sát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm

Chỉ còn khoảng tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019. Hiện tại, hàng hóa, thực phẩm tiêu dùng đủ loại phục vụ nhu cầu “ăn chơi” dịp cuối năm cũng đã được chuẩn bị sẵn. 
Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản, thực phẩm an toàn tại TPHCM Ảnh: Thi Hồng
Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản, thực phẩm an toàn tại TPHCM Ảnh: Thi Hồng

Sức tiêu thụ mạnh kéo theo khả năng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ hàng hóa trôi nổi cũng tăng cao. Trước thực tế này, các sở ngành của TPHCM cũng như các doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch từ sớm cho việc giám sát chặt chẽ ATVSTP đối với các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng. 

Rà soát từ đầu nguồn

Thống kê sơ bộ từ Sở Công thương TPHCM, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) khoảng 3.800 tấn trái cây, 5.300 tấn rau củ, 400 tấn cá, 700 tấn thủy hải sản; 10.300 con heo (cao điểm Tết Nguyên đán lên 17.000 - 18.000 con/ngày), khoảng 250.000 con gà… Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chỉ ra rằng khoảng 80% hàng nông sản, thực phẩm tập trung về TPHCM thông qua 3 chợ đầu mối lớn gồm Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức; khoảng 15% còn lại đi vào hệ thống phân phối hiện đại, 5% đi thẳng về các chợ lẻ... 

PGS-TS Trần Tiến  Khai, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cũng chỉ ra rằng xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch ngày càng lớn, nhất là đối tượng khách hàng trung lưu. TPHCM với khoảng 12 triệu cư dân, nhưng nguồn cung thực phẩm chủ yếu từ các tỉnh phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… Trên thực tế, việc kiểm soát thực phẩm đầu vào tại TPHCM gặp nhiều khó khăn. Đối với vấn nạn thực phẩm không an toàn, ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất giải pháp cần kiểm soát tốt ATVSTP tại 3 chợ đầu mối của TP, bởi từ đây hàng hóa được phân phối đi đến hơn 400 chợ lẻ, truyền thống. Kế đến hàng nông sản thực phẩm cần được chuẩn hóa về bao bì, đóng gói, thương hiệu thay vì bán xá, bán đổ đống; nâng cấp hệ thống logistics; tăng cường liên kết, tập trung đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn ngay từ gốc…

Theo ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức, dẫn chứng trong quá trình tham quan thực tế tại chợ đầu mối ở một số nước và nhận thấy rằng các chợ đầu mối của TP giống như chợ của họ cách đây 20 năm về trước. Tỷ lệ mẫu được kiểm soát ATVSTP chưa cao, cơ chế kiểm soát tại nguồn yếu kém. Ví dụ, tại lãnh thổ Đài Loan họ kiểm soát thực phẩm tại nguồn rất chặt chẽ đối với nhiều yếu tố, chẳng hạn như mẫu đất, lượng thuốc trừ sâu, loại thuốc sử dụng cho cây, thời gian sử dụng… Đối với các nước phát triển, họ hoàn toàn không có khái niệm “thực phẩm bẩn”, vì hàng đã ra thị trường đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, hiển nhiên là hàng sạch…

Hạn chế chồng chéo, bất cập trong quản lý

Phản ảnh ở góc độ DN, ông Nguyễn Phú Khai, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay nhiều năm qua xuất hiện tình trạng một số đơn vị đối tác (trường học, doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp…) ký kết mua hàng công ty, chủ yếu là trứng gia cầm trong thời gian ngắn, nhưng sau đó không lấy hàng nữa mà lấy hàng trôi nổi từ nhiều nguồn. Tuy vậy, kết quả báo cáo vẫn ghi rằng nguồn hàng cung cấp từ Công ty Vĩnh Thành Đạt. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của công ty. Cùng bàn về việc giám sát ATVSTP, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị có chính sách giám sát ATVSTP chặt chẽ. Quy trình kiểm soát được chia thành 3 giai đoạn gồm kiểm tra đầu vào, khảo sát nhà cung cấp và kiểm soát trong quá trình kinh doanh. Theo đó, mỗi giai đoạn đều có quy định riêng phù hợp, chặt chẽ cho từng ngành cũng như từng mặt hàng. Năm 2018, Saigon Co.op đã thực hiện khảo sát 450 nhà cung cấp nhằm đánh giá điều kiện cơ sở sản xuất, trang thiết bị, các hồ sơ truy xuất nguồn gốc hàng hóa cung ứng cho đơn vị. 

PGS-TS Trần Tiến Khai dẫn chứng, trên thế giới có hai mô hình tổ chức hệ thống quản lý ATVSTP cấp quốc gia hoặc vùng quốc tế. Mô hình thứ nhất là tập trung vào một cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ, tại Mỹ, có Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ; châu Âu có cơ quan ATTP châu Âu (European Food Safety Authority - EFSA). Mô hình thứ hai là hệ thống quản lý phân tán. Ví dụ, ở Nhật Bản có Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, Ủy ban ATTP Nhật Bản; Thái Lan có Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã chịu trách nhiệm đảm bảo ATTP xuất khẩu, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan chịu trách nhiệm giám sát thực phẩm và tiêu thụ trong nước. “Đối với Việt Nam, hoạt động quản lý ATVSTP thuộc trách nhiệm trực tiếp của các Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung. Hệ thống này đang bộc lộ những bất cập về sự chồng chéo và thiếu vắng cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan liên quan. Riêng TPHCM, từ năm 2016 đã thí điểm thực hiện tập trung hoạt động quản lý ATTP về đầu mối duy nhất là Ban Quản lý ATTP TPHCM, thực chất là tập hợp bộ phận quản lý ATTP từ 3 sở (y tế, công thương, NN-PTNT) để có một cơ quan thường trực tham mưu cho UBND TPHCM. Tuy vậy, cơ chế quản lý tập trung này cũng bộc lộ một số nhược điểm cơ bản do không tương thích với cơ chế pháp lý hiện hành”, PGS-TS Trần Tiến Khai đánh giá. 

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, để tránh tình trạng thay vì “thả gà ra vườn để đuổi” (kiểm soát ATTP từ ngọn) như hiện nay, các chuyên gia kinh tế đều khuyến cáo phải rà soát an toàn ngay từ nơi sản xuất. Để làm được điều này, rất cần sự chung tay liên kết từ các vùng nguyên liệu mà điển hình là các DN, bà con nông dân tại các địa phương; đồng thời cần có một cơ chế giám sát, quản lý thực sự hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục