Giám sát những vấn đề người dân bức xúc, quan tâm

Trong buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, tăng cường công tác nắm bắt thông tin dư luận xã hội về các vấn đề cử tri quan tâm qua báo chí, phản ánh, kiến nghị để lựa chọn chủ đề giám sát cho phù hợp của cơ quan dân cử.

Ngày 25-7, Thường trực HĐND TPHCM và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Tọa đàm "Về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát”.

Chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, thời gian tới Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cần thêm cơ chế để phối hợp giám sát chính quyền 16 quận không có tổ chức HĐND quận, phường khi thực hiện chính quyền đô thị, qua đó tránh trùng lắp trong giám sát, giảm tải và áp lực ở cơ sở.

Chủ tịch HĐND TPHCM nhìn nhận, thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là cơ hội để TPHCM phát triển nhanh, bền vững. Tới đây, HĐND TPHCM phải tiến hành giám sát theo kế hoạch năm, giám sát chuyên đề… tùy theo tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của TPHCM phối hợp, tham mưu cho cấp ủy các cấp trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, qua đó, tạo thuận lợi nhiều hơn cho cấp cơ sở.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề cập đến đề án "Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2030", Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tăng cường hướng dẫn, cụ thể hóa đề án này để cơ sở tổ chức thực hiện hoạt động giám sát; cùng với đó là hướng dẫn để cơ sở tham mưu thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng nhấn mạnh đến việc phải chọn nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm để cấp thành phố và cơ sở cùng thực hiện giám sát, qua đó góp phần xây dựng được báo cáo có đánh giá tổng thể, sát thực tiễn hơn.

Đồng chí gợi mở, có thể chọn giám sát cải cách hành chính để thực hiện đồng loạt từ cấp thành phố đến tận cơ sở, để qua đó có đánh giá tổng thể về công tác này của Thành phố.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhìn nhận, để cán bộ có kinh nghiệm dày dặn làm tốt công tác giám sát là không dễ, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị, trong công tác cán bộ phải chú trọng đến bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, đổi mới phương pháp tập huấn cho cán bộ làm công tác giám sát, nhất là trong xử lý các tình huống cho đội ngũ cán bộ.

Nắm bắt vấn đề dư luận bức xúc, quan tâm

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức chia sẻ, ban chủ động nắm bắt thông tin từ hoạt động của tổ đại biểu HĐND ở địa phương nơi ứng cử để nắm thông tin, giám sát thường xuyên đối với các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách.

Từ đó, ông Lê Minh Đức cho biết, sẽ xác định các vấn đề bất cập để tập trung lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề. Trong đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát sẽ được nâng lên nếu biết phát huy vai trò của các chuyên gia tham gia đoàn giám sát và tăng cường hoạt động khảo sát thực tế gắn với giám sát.

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức góp ý. Ảnh: VĂN MINH

Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức góp ý. Ảnh: VĂN MINH

Dù vậy, Phó Trưởng Ban Pháp chế nhìn nhận, hiện HĐND TPHCM có 90 đại biểu, 32 đơn vị bầu cử nhưng chỉ có 19 đại biểu chuyên trách, mỗi ban của HĐND TPHCM chỉ có 4 đại biểu chuyên trách và 7 đại biểu kiêm nhiệm. Do vậy, thời gian dành cho hoạt động giám sát cũng có hạn chế nhất định.

Đồng thời, không phải đại biểu nào cũng có chuyên môn sâu đối với lĩnh vực được tham gia giám sát. Cho nên, Phó Trưởng Ban Pháp chế nhấn mạnh đến việc mời các chuyên gia tham gia đoàn giám sát, phát huy vai trò của chuyên gia trong tham gia phát biểu, nghiên cứu đối với nội dung giám sát là rất cần thiết.

Cùng với đó, việc đi thực tế khảo sát, nghe ý kiến trực tiếp từ đối tượng có liên quan đến nội dung được giám sát là cách thu thập thông tin hiệu quả nhất để đánh giá về thực trạng đối với nội dung được giám sát, từ đó có kiến nghị sát, hợp với thực tiễn sau mỗi cuộc giám sát.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu nêu ý kiến. Ảnh: VĂN MINH

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu nêu ý kiến. Ảnh: VĂN MINH

Về lựa chọn chủ đề, đối tượng giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu chia sẻ, luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện TPHCM thực hiện chính quyền đô thị gắn với thực hiện nghị quyết của Đảng bộ TPHCM, Nghị quyết của HĐND TPHCM và “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM trong thực hiện chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026”, để lựa chọn chủ đề, đối tượng giám sát.

Ban Kinh tế - Ngân sách tăng cường công tác nắm bắt thông tin dư luận xã hội về các vấn đề cử tri quan tâm qua báo chí và phản ánh, kiến nghị của cử tri qua fanpage HĐND TPHCM để lựa chọn chủ đề giám sát cho phù hợp. Chủ đề được chọn giám sát phải thiết thực và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm, được các cấp, ngành và dư luận xã hội quan tâm.

Đối tượng chịu sự giám sát phải vừa mang tính tổng hợp, vừa mang tính điển hình cho chủ đề giám sát, vừa giám sát cơ quan quản lý chung để có cơ sở đánh giá tổng quát tình hình, vừa giám sát đối tượng trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động của vấn đề để làm cơ sở xem xét, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện.

Tin cùng chuyên mục