Kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi
Từ tháng 9-2018, những người trong ngành nông nghiệp đã tiên liệu bệnh DTH châu Phi sẽ lan sang Việt Nam sau khi Trung Quốc (phát hiện tháng 8-2018) khống chế DTH không hiệu quả, khiến bệnh lan nhanh xuống phía Nam, giáp với một số quốc gia Đông Nam Á. Chính phủ và Bộ NN-PTNT triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn từ các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc ngay từ thời điểm đó.
Việc xuất hiện 3 ổ DTH châu Phi đầu tiên tại các địa phương nằm sâu trong đất liền, thay vì ở vùng biên giới, không loại trừ khả năng việc lây nhiễm từ các nguồn khác.
Bởi theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), virus gây bệnh DTH châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại lâu dài trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt heo và các chế phẩm từ thịt như xúc xích, thịt nguội...
Cuối tháng 8-2018, Hải quan Hàn Quốc tìm thấy thịt heo trong hành lý của 2 du khách nhiễm DTH châu Phi. Ở Thái Lan, hải quan phát hiện du khách Trung Quốc mang theo thịt động vật tươi. Tương tự, lãnh thổ Đài Loan phát hiện virus này trong ổ bánh mì. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn dễ bị bỏ sót nếu chỉ tập trung phòng dịch từ biên giới.
Để ngăn chặn dịch bệnh DTH châu Phi lây lan nhanh, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo.
Tình hình hiện nay gợi nhớ đến dịch cúm gia cầm cũng lan sang Việt Nam vào cuối năm 2003 và hoành hành đầu năm 2004. Do chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu chúng ta hơi hoảng loạn khi dịch cúm lây lan với tốc độ quá nhanh.
Điều khác là virus cúm gia cầm lây sang người với tỷ lệ tử vong cao, còn DTH châu Phi thì không. Vì vậy, người dân an tâm hơn khi tiếp xúc và sử dụng heo lành bệnh có nguồn gốc rõ ràng và không nên tẩy chay. Tuy nhiên, DTH châu Phi ảnh hưởng lớn đến người nuôi và ngành chăn nuôi heo. Bởi hiện nay chưa có vaccine chủng ngừa bệnh, cũng như phương pháp điều trị hiệu quả.
Theo khuyến cáo của OIE, nếu xảy ra bệnh DTH châu Phi, heo bệnh phải được tiêu hủy ngay, heo nuôi trong khu vực có bán kính 3km bị cấm vận chuyển buôn bán.
Do vậy, dẫn đến một lượng heo lớn sẽ tồn lại ở các trại nuôi, khiến nguy cơ buôn bán heo lậu sẽ tăng làm cho dịch bệnh càng khó kiểm soát. Vì vậy, việc hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại nên kịp thời và làm thật tốt.
Với mức giá được hỗ trợ khoảng 38.000 đồng/kg như hiện nay cần đến tay người bị thiệt hại trong thời gian ngắn nhất, giúp người nuôi mạnh dạn thông báo tình hình heo bệnh, thay vì giấu bệnh để tìm cách bán đàn heo.
TPHCM sẵn sàng các phương án
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, TP chỉ đáp ứng 18% trong số 10.000 - 11.000 con heo (750 - 800 tấn/ngày) nhu cầu người dân TP, số còn lại đến từ các tỉnh thành khác.
Trước đây, nguồn thịt này từ các tỉnh phía Nam, nhưng thời gian qua, do giá heo có sự chênh lệch khá lớn giữa 2 miền nên heo từ các tỉnh phía Bắc cũng đã được vận chuyển vào, với khoảng 2.000 con/ngày.
Trong số này, có tỉnh thành đã xuất hiện DTH châu Phi. Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã yêu cầu các sở ngành, quận huyện liên quan triển khai công việc theo đúng tinh thần của QĐ122 do UBND TPHCM ký ngày 4-1-2019.
Theo đó, TPHCM tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Tổ chức quản lý và giám sát dịch bệnh; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người chăn nuôi và người tiêu dùng; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cho đàn heo.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TPHCM, nếu kiểm soát và quản lý chặt nguồn heo từ các nơi đưa về TP sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh DTH châu Phi. Đồng thời cơ quan này đã chỉ đạo Chi cục Thú y TPHCM chuẩn bị phương án gắn với các tình huống cụ thể để có biện pháp chủ động phòng chống hiệu quả DTH.
Với diễn biến nhanh hiện nay, khi dịch bệnh xảy ra tại các tỉnh có nguồn heo cung cấp cho TPHCM, Chi cục Thú y TPHCM triển khai ngay các phương án: Khi phát hiện giết mổ heo trái phép; vận chuyển heo, phủ tạng và sản phẩm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc thì phải tiêu hủy ngay. Khoanh vùng ổ dịch; nghiêm cấm vận chuyển heo ra vào vùng dịch.
Các hộ nuôi heo phải khai báo với chính quyền địa phương và trạm thú y quận huyện khi có nhu cầu xuất bán, nhập đàn heo mới. Tiêu độc khử trùng tại các chợ đầu mối. Làm việc với các tỉnh thành, khu vực có nguồn cung cấp heo để xác định nguồn heo an toàn.
Huy động các hội, đoàn thể cùng phối hợp phòng chống dịch; áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; không vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y.
Đoàn kiểm tra liên ngành (chủ lực là lực lượng quản lý thị trường) tăng tần suất kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh thịt heo trên các tuyến đường chính. Các địa phương chốt chặn tuyến giao thông, khu vực giáp ranh. Lấy mẫu xét nghiệm virus DTH châu Phi ở hộ nuôi, cơ sở giết mổ. Ban quản lý các chợ chủ động kiểm tra, phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, quan trọng nhất là việc chuẩn bị phòng dịch tốt để chủ động trong mọi tình huống. Chuẩn bị càng sớm, càng kỹ và cụ thể sẽ phòng chống dịch tốt hơn.
Bài học từ việc đi đầu và quyết liệt trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm từ những năm 2000 của TPHCM có thể giúp ích cho việc phòng chống DTH châu Phi của TP và các tỉnh đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.