Giảm thuế, kích thích tăng trưởng

Giảm thuế để tạo việc làm
Giảm thuế, kích thích tăng trưởng

Ngày 15-12, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế trị giá 858 tỷ USD với 81 phiếu thuận, 19 phiếu chống. Dù dự luật này gây ra nhiều tranh cãi trong chính các thành viên của đảng Dân chủ nhưng với yêu cầu cấp bách để vực dậy nền kinh tế hiện nay, Thượng viện Mỹ cuối cùng cũng đã đứng về dự luật này.

Ở Nhật Bản, một quyết định tương tự cũng đã được thông qua. Những động thái trên đều cùng hướng đến mục tiêu: tạo việc làm, kích thích sự phát triển để giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bị chững lại quá lâu vì khủng hoảng.

Dù bỏ phiếu ủng hộ dự luật cắt giảm thuế nhưng Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Dianne Feinstein vẫn cảnh báo về nguy cơ thâm hụt ngân sách. Ảnh: AFP

Dù bỏ phiếu ủng hộ dự luật cắt giảm thuế nhưng Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Dianne Feinstein vẫn cảnh báo về nguy cơ thâm hụt ngân sách. Ảnh: AFP

Giảm thuế để tạo việc làm

Theo Reuters, các nhà kinh tế dự báo, gói cắt giảm thuế có thể giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng thêm 1% vào năm 2011 nhờ việc cắt giảm thuế thu nhập và dỡ bỏ những bất ổn về thuế nói chung. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính rằng việc áp dụng chính sách thuế mới của Obama đến năm 2012 sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 0,1% đến 0,3% vào năm tới và khoảng gấp đôi vào các năm tiếp theo. Tổng sản lượng quốc gia (GNP) cũng có thể tăng từ 0,3% đến 1% nhưng sẽ chỉ trong 2 năm đầu tiên. Nhưng nếu Quốc hội vẫn tiếp tục kéo dài việc cắt giảm thuế đến năm 2012 thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, vì chính phủ sẽ phải vay nhiều hơn để đầu tư và lãi suất sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng chính sách cắt giảm thuế dưới thời ông Obama có thể tạo ra kết quả tốt hơn so với những gì ông Bush đã làm bởi tỷ lệ thất nghiệp hiện nay cao hơn so với năm 2001. Thêm vào đó, đảng Dân chủ cố gắng để giảm thuế trong khả năng để đảm bảo quyền lợi của người thu nhập thấp và trung bình. Dự thảo thuế mới cũng dự kiến sẽ giảm thuế thu nhập tính theo lương cho người lao động từ 6,2% xuống 4,2%. Bảo hiểm thất nghiệp cũng được tăng lên.

Ở Nhật Bản, chính phủ nước này cũng đã quyết định giảm mức thuế doanh nghiệp xuống 5% từ 1-4-2011. Đây là phản hồi tích cực nhằm tạo thêm nhiều việc làm, đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào nền kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn trì trệ và khó khăn. Hiện mức thuế doanh nghiệp ở Nhật Bản là 40%, giữ khoảng cách khá lớn đối với các nền kinh tế lớn khác như Anh (28%), Trung Quốc (25%) hay Mỹ (35%). Với mức thuế đánh vào doanh nghiệp thuộc mức cao nhất trên thế giới, Nhật Bản phải chấp nhận thực tế là ngày càng có nhiều công ty nước mình hướng đến các quốc gia khác để đầu tư, sản xuất.

Bài toán khó

Dù được kỳ vọng là có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm tới nhưng việc cắt giảm thuế có thể khiến thâm hụt ngân sách ở Mỹ (hiện đang ở mức gần 14.000 tỷ USD) ngày càng khó kiểm soát. Hơn nữa, đây cũng là một “thất bại” của ông Obama đối với chính những nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ.

Trong khi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản muốn giảm 5% thuế thì Bộ Tài chính thúc giục phải tìm ra nguồn thu bù đắp. Theo tính toán của Bộ Tài chính Nhật, việc giảm thuế doanh nghiệp nói trên sẽ làm giảm nguồn thu từ thuế của chính phủ nước này từ 1.400-2.100 tỷ yên (16,6-25 tỷ USD)/năm, tương đương 4%-5% tổng nguồn thu ước tính cho năm tài khóa hiện tại. Trong kế hoạch ngân sách năm 2011 đang được soạn thảo, vấn đề thuế doanh nghiệp là điểm gây tranh cãi nhiều nhất. Đến nay, Bộ Tài chính Nhật Bản chỉ mới đảm bảo được khoản bù đắp trị giá khoảng 650 tỷ yên bằng cách mở rộng đối tượng doanh nghiệp phải đóng thuế. Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa ra được danh sách đề xuất đầy đủ các nguồn thu thay thế.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục