Gian nan bình ổn tài chính toàn cầu

Thách thức chủ yếu của tiến trình ổn định hệ thống tài chính thế giới hiện nay là cải tổ hệ thống ngân hàng, giải quyết mức nợ công cao mà không phương hại đến sự ổn định tài chính và tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Với mục đích này, IMF đề xuất lộ trình 4 bước gồm: Giảm gánh nặng nợ công và tăng cường cân bằng tài chính; làm trong sạch các quyết toán của hệ thống ngân hàng thông qua giải quyết các khoản nợ xấu và tăng vốn; giải quyết nợ thế chấp xấu và giảm các nguồn gốc vốn thế chấp; cẩn trọng phòng ngừa sự phát triển quá nóng và nguy cơ mất cân bằng tài chính trong các nền kinh tế mới nổi.
Gian nan bình ổn tài chính toàn cầu

Thách thức chủ yếu của tiến trình ổn định hệ thống tài chính thế giới hiện nay là cải tổ hệ thống ngân hàng, giải quyết mức nợ công cao mà không phương hại đến sự ổn định tài chính và tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Với mục đích này, IMF đề xuất lộ trình 4 bước gồm: Giảm gánh nặng nợ công và tăng cường cân bằng tài chính; làm trong sạch các quyết toán của hệ thống ngân hàng thông qua giải quyết các khoản nợ xấu và tăng vốn; giải quyết nợ thế chấp xấu và giảm các nguồn gốc vốn thế chấp; cẩn trọng phòng ngừa sự phát triển quá nóng và nguy cơ mất cân bằng tài chính trong các nền kinh tế mới nổi.

  • Nhức nhối nợ công

Tháng 1 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết tính đến ngày 19-1, khối lượng nợ của Mỹ đã chạm mức 14.001 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên khối lượng nợ của Mỹ vượt quá 14.000 tỷ USD và gần lên tới mức nợ trần 14.294 tỷ USD mà chính phủ được phép vay nợ. Khi chạm mức nợ trần và các nhà hoạch định chính sách không đạt được thỏa thuận nâng mức nợ trần mới, Bộ Tài chính sẽ bị cấm vay mượn thêm từ các nguồn bên ngoài.

Nếu điều đó xảy ra, Washington sẽ không có khả năng thanh toán cho các chủ nợ trái phiếu hay các chương trình tài trợ và trợ cấp do tiền thuế thu được không đủ trang trải tất cả các khoản chi tiêu. Các chuyên gia cho rằng tác động hệ thống sẽ diễn ra không chỉ bên trong nước Mỹ mà chắc chắn sẽ lan tới các nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Một nhà hàng ở Chicago, Mỹ đóng cửa do kinh doanh ế ẩm.

Một nhà hàng ở Chicago, Mỹ đóng cửa do kinh doanh ế ẩm.

Các bộ trưởng Tài chính EU đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 80 tỷ EUR dành cho Bồ Đào Nha và dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 5 này. 80 tỷ EUR cho Hy Lạp, 45 tỷ EUR cho Ireland trước đó cùng với nguy cơ Ý và Tây Ban Nha cũng có thể phải nhờ EU trong thời gian tới nên EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công khá trầm trọng. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ công ở các nước EU không thấm tháp gì so với Nhật Bản.

Theo tờ Christian Science Monitor (CSM) của Mỹ, nợ công của Nhật Bản hiện chiếm 225% GDP của nước này. Với việc phải tốn ít nhất 295 tỷ USD để tái thiết sau thảm họa động đất gây ra sóng thần hồi tháng 3 vừa qua, gánh nặng nợ công sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế thứ 3 thế giới.

Trong khi đó, gần 4 năm sau khi bắt đầu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, niềm tin vào hệ thống ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Theo IMF, để phục hồi niềm tin này, hệ thống ngân hàng các nước cần có kế hoạch cụ thể để cấu trúc lại hoặc giải quyết các ngân hàng vỡ nợ, tăng cường minh bạch cũng như tăng nguồn vốn dự trữ.

  • Tín hiệu khả quan

Mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” của IMF mới công bố vẫn khẳng định nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao bất chấp những nguy cơ mới đe dọa tiến trình phục hồi sau khủng hoảng.

Theo đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 4,5% trong năm 2011 và 2012, trong đó tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển tăng lần lượt là 2,5% và 6,5%.

Nhóm 4 nước gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, IMF ước tính mức tăng trưởng sẽ đạt 4,4% trong năm 2011. Riêng với nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ), IMF dự báo tăng trưởng năm 2011 sẽ ở mức khiêm tốn 2,8%, trong khi đó con số này của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ lên tới 9,6%.

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), con số trên là 1,6% trong năm 2011 và 1,8% năm 2012, Mỹ Latinh và Caribbean lần lượt là 4,7% trong năm 2011 và 4,25% trong năm 2012.

ĐỖ VĂN

Theo AFP, ngày 14-4, các nhà lãnh đạo nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong cuộc họp tại Tam Á, Trung Quốc đã cảnh báo rằng giá các mặt hàng thiết yếu đang tăng mạnh đe dọa đến việc phục hồi kinh tế toàn cầu. BRICS đặc biệt quan ngại về giá lương thực và năng lượng. Trong tuyên bố chung, BRICS cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ về an ninh năng lượng.

BRICS cho rằng một trong những nguyên nhân làm tiền tệ các nước này mất giá là do lượng tiền bên ngoài ồ ạt đổ vào. Tuyên bố chung cũng kêu gọi nhanh chóng cải tổ hệ thống tài chính và thiết lập hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế đồng thời tăng cường giám sát các dòng vốn xuyên biên giới. BRICS cũng phản đối dùng vũ lực trong việc giải quyết tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.

Th.Vũ

Tin cùng chuyên mục