Kết quả khiêm tốn
Theo Ban điều hành Chương trình hành động chỉnh trang và phát triển đô thị TPHCM, nội dung di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn tất công tác giải tỏa, di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch và tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn; thực hiện chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch. Cho đến nay có 2 dự án đã hoàn thành di dời, 4 dự án đang thực hiện bồi thường dở dang; 3 dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; 4 dự án đã được phê duyệt dự án bồi thường; 16 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư công… Tổng số đã bồi thường và di dời 1.860 căn nhà, đạt tỷ lệ 9,3%.
Liên quan việc phát triển các khu đô thị mới, đến nay, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1,48 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở (đạt tỷ lệ 56,9% so với mục tiêu đề ra); Khu đô thị mới Nam Sài Gòn đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông chính, đưa vào sử dụng 2,4 triệu m² sàn xây dựng nhà ở với quy mô khoảng 11.050 căn hộ (đạt tỷ lệ 57,1% so với mục tiêu đề ra).
Còn nhiều vướng mắc
Theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, các vướng mắc chủ yếu tập trung ở 53 dự án sử dụng vốn ngân sách. Trong tổng số 53 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch thực hiện bằng vốn ngân sách có 33/53 dự án đã xác định được ranh, còn 20/53 dự án trên địa bàn các quận 7, 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp chưa cắm mốc, xác định được ranh mép bờ cao và hành lang bảo vệ kênh rạch. Việc chậm xác định ranh mốc dẫn đến không xác định được phạm vi ảnh hưởng, ranh giải tỏa; từ đó không xác định được số hộ di dời, tổng mức đầu tư bồi thường để làm cơ sở đề xuất chủ trương đầu tư công. Nguyên nhân do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM chưa phê duyệt bình đồ tuyến hoặc thiết kế cơ sở các tuyến kênh rạch (2 dự án), chưa hướng dẫn cắm mốc thực địa (7 dự án), UBND các quận, huyện chưa chủ động xác định ranh mốc để trình cơ quan quản lý chuyên ngành cho ý kiến (9 dự án). Chủ đầu tư các dự án xây lắp cũng đang trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư công hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa đề xuất được ranh thực hiện 2 dự án. Ngoài ra, trong tổng số 33/53 dự án đã xác định ranh có 25/33 dự án đã có chủ trương đầu tư công, 6/33 dự án trên địa bàn các quận 8, Gò Vấp chưa được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư công, 2/33 dự án đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công nhưng do thời gian thực hiện kéo dài, tổng mức đầu tư đã vượt so với tổng mức đầu tư được HĐND TP thông qua. Do đó, 8/33 dự án nêu trên không được ghi vốn chuẩn bị đầu tư hoặc không đủ điều kiện để được phê duyệt dự án bồi thường hoặc không được tiếp tục ghi vốn bồi thường để triển khai.
Để giải quyết các vướng mắc trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, hướng dẫn UBND các quận 7, 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp hoàn tất việc xác định ranh mép bờ cao và hành lang bảo vệ kênh rạch, sớm phê duyệt ranh thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm trên địa bàn các quận đã hoàn tất việc xác định ranh (16 dự án). Tổ chức cắm mốc, bàn giao ranh mốc ngoài thực địa, làm cơ sở xác định tổng vốn bồi thường và trình phê duyệt chủ trương đầu tư công. Giao Sở TN-MT ưu tiên giải quyết sớm rút ngắn 1/3 thời gian thẩm định và phê duyệt bồi thường đối với 53 dự án kênh rạch thực hiện bằng vốn ngân sách.
Về ghi vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư để thực hiện công tác xác định ranh dự án, trình phê duyệt chủ trương đầu tư công, lập và trình duyệt dự án bồi thường và phương án bồi thường, UBND TPHCM và HĐND TPHCM phải đảm bảo ghi vốn chuẩn bị đầu tư cho các quận, huyện tổ chức thực hiện đo vẽ, khảo sát hiện trạng, kiểm đếm, điều tra xã hội học... Công tác này thời gian qua chủ yếu các quận, huyện tạm ứng kinh phí của đơn vị để thực hiện. Theo kế hoạch đến năm 2019 đã được thông qua, đối với 20 dự án chưa xác định ranh và 8 dự án chưa có chủ trương đầu tư công đều chưa được ghi vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2019.