Dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn sau khi Chính phủ phê duyệt đề án với nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. Tại TPHCM, chỉ tính 5 huyện đã có hơn 800.000 người trong độ tuổi lao động sống ở khu vực nông thôn nhưng không ít người vẫn thờ ơ với cơ hội học nghề.
Chưa mặn mà với học nghề
Trước thực trạng diện tích đất nông nghiệp ở nhiều địa phương ngày càng thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, hàng ngàn lao động nông thôn không còn đất sản xuất, việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là “chìa khóa vàng” giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, một trong những nguyên nhân khiến lao động nông thôn quay lưng với việc học nghề đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề quá lạc hậu và thiếu giáo viên đạt chuẩn.
Anh Tình, ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho hay: “Sau khi phần đất của gia đình bị thu hồi để mở rộng khu công nghiệp, xã hướng dẫn tôi đến trung tâm dạy nghề huyện học nghề sửa chữa điện tử. Tuy nhiên, do thực hành trên các thiết bị cũ nên tôi học xong không sửa chữa được các thiết bị đời mới nên không thể mở tiệm hành nghề”.
Chị Nguyễn Thị Hiệp, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết, dù ở nông thôn nhưng không còn đất nông nghiệp để sản xuất. Khi xã mở lớp làm móng, chị đăng ký học. “Địa điểm mở lớp khá xa nên không có điều kiện đi học thường xuyên. Phụ nữ nông thôn còn phải lo nội trợ gia đình, chăm sóc, đưa đón con đi học nên thường phải đến lớp muộn, có hôm phải nghỉ học”, chị Hiệp bộc bạch.
Một vấn đề lớn mà nhiều phụ nữ nông thôn băn khoăn là học nghề xong chưa hẳn đã sống được với nghề. Đa phần lao động nông thôn hiện không có điều kiện học các nghề dài hạn mà chủ yếu học các nghề ngắn hạn. Nhất là lao động nữ nông thôn luôn có tâm lý ngại xa nhà, sợ tốn kém nên không thiết tha với việc học nghề. Bản thân những người tham gia học nghề cũng nhận thấy mình chưa thật toàn tâm toàn ý để học nghề mặc dù được đào tạo miễn phí.
Dạy nghề phải gắn với tạo việc làm
TPHCM có lợi thế hơn so với các địa phương khác trong triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn với khoảng 400 cơ sở dạy nghề phủ kín trên địa bàn với năng lực đào tạo hàng năm trên 40.000 học viên từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng nghề.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo và thông tin thị trường TPHCM cho biết, khu vực có lao động nông thôn có trên 70 cơ sở dạy nghề. Năng lực đào tạo hàng năm là 4.000 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 7.000 chỉ tiêu trung cấp và 30.000 chỉ tiêu sơ cấp nghề.
Với sự phát triển thị trường lao động đặc thù khu vực nông thôn, những nhóm nghề đang và sẽ thu hút lao động nông thôn học nghề và dễ tìm được việc làm là tin học, sửa chữa lắp ráp vi tính, sửa chữa xe gắn máy, điện tử dân dụng, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, sửa chữa xe ô tô, thiết kế, lắp đặt điện xí nghiệp, sửa chữa điện thoại di động, sửa máy may…
Tuy nhiên, lãnh đạo một trung tâm dạy nghề thừa nhận, để thu hút học viên cần phải cập nhật giáo trình, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng dạy và đặc biệt phải đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy học. Chẳng hạn như thị trường có ti vi LCD, LED, HD; điện thoại 3G, 4G; xe tay ga đời mới, phun xăng điện tử, học viên cũng phải được học mới gọi là đạt yêu cầu. Hơn nữa, việc dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn với lợi thế quy hoạch của từng nơi và quan trọng là tìm đầu ra cho lao động nông thôn.
| |
Hồ Thu