Bóng đá nữ Việt Nam năm 2005:

Gian nan vì thiếu tiền và...

Hôm nay 31-3, VFF sẽ tổ chức họp báo về kế hoạch bóng đá nữ năm 2005 và lễ bốc thăm chia bảng, xếp lịch thi đấu giải VĐQG sẽ diễn ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Cùng chung hoàn cảnh với bóng đá Việt Nam năm 2005, bóng đá nữ được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở cấp độ ĐTQG. Không thuận lợi về đối tượng tập huấn, lực lượng đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ và hơn tất cả là sự bất lực của VFF trong việc kêu gọi tài trợ.

  • U17 không được cọ xát; ĐTQG chưa biết tập huấn ở đâu (!)
Gian nan vì thiếu tiền và... ảnh 1

Trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 22: Tuyển Việt Nam (áo trắng) thắng Myanmar 2-1.

Trung tuần tháng 2, VFF quyết định không tập trung đội U17. Điều đó cũng đồng nghĩa sẽ không tham dự giải U17 châu Á tại Hàn Quốc vào tháng 4. Lý do được đưa ra là các cầu thủ phải học văn hóa nên chỉ có thể tập 1 buổi/ngày và như vậy sẽ không thể đạt thành tích tốt. Thật ra, đây chỉ là ngụy biện vì thực chất của vấn đề nằm ở chỗ trình độ các VĐV quá yếu, nếu thi đấu sẽ “mất mặt” và thiếu kinh phí.

Đây chính là kết quả tất yếu của việc Việt Nam đã triệt để tận dụng “thế hệ vàng” Lưu Ngọc Mai, Nguyễn Thị Hà, Phùng Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Kim Hồng, Bùi Thị Hiền Lương... mà không để ý đến đào tạo trẻ.

Chính HLV trưởng Mai Đức Chung sau khi dự khóa học Future 3 của FIFA tại Thái Lan trở về đã phát biểu đầy lo ngại cho bóng đá nữ khi được chứng kiến U16 của Thái Lan và Myanmar được đào tạo bài bản và đầu tư rất lớn.

Về ĐTQG, ngày 15-4 tới sẽ tập trung tại Nhổn để chuẩn bị tham dự vòng loại giải vô địch châu Á dự kiến tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 12 đến 22-6). Hiện, VFF vẫn chưa biết đội sẽ tập huấn ở đâu: Đài Loan hay Quảng Tây. Chưa có tiền trong tay nên Ban các ĐTQG, Ban Quan hệ quốc tế cũng chưa thể quyết định địa điểm cũng như đối tượng cọ xát.

Ban bóng đá nữ giờ đây không còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Phan Anh Tú – Ủy viên Ban bóng đá nữ của AFC – nay đã là Quyền Tổng thư ký luôn bận rộn nên hoạt động mờ nhạt, chẳng giúp gì được trong việc này. Cộng thêm với lực lượng không thật sự mạnh, xem ra mục tiêu lọt vào vòng 2 sẽ chẳng dễ dàng gì.

Trong đợt tập trung thứ 2 vào đầu tháng 9 để chuẩn bị cho mục tiêu bảo vệ ngôi hậu tại SEA Games 23, kế hoạch đưa đội đi Nhật Bản tập huấn để thi đấu với những đối thủ có trình độ cao của VFF nhiều khả năng cũng bị đổ bể. Giá cả ở đây cực kỳ đắt đỏ và không được phía bạn đài thọ nên VFF đang hướng mục tiêu sang Hàn Quốc.

  • Tất cả chỉ vì “đầu tiên”

Hiện tiền chi cho bóng đá nữ chỉ trông chờ vào Ủy ban TDTT cho ĐTQG và 25.000 USD/năm trích từ nguồn hỗ trợ của Dự án phát triển mục tiêu FIFA. VFF gần như “bó tay” trong việc kiếm tiền cho bóng đá nữ. Sau khi Kotex nói lời tạm biệt vì không chịu nổi cung cách làm ăn của VFF, các doanh nghiệp khác nằm trong tầm ngắm đã không mặn mà gì trước bài học nhãn tiền đầu tư nhưng không hiệu quả vì thiếu sự hợp tác của VFF.

Sau khi bị chỉ trích dữ dội vì đã kéo giải vô địch Đông Nam Á lần 1 năm 2004 từ Hải Phòng vào tận TPHCM mà vẫn không có được một đồng tài trợ, Ban Tiếp thị và vận động tài trợ đã xin kiếu và thuê Công ty cổ phần phát triển bóng đá Việt Nam VFD làm thay. Tuy nhiên, hoa hồng mà Ban Tiếp thị và vận động tài trợ “hét” với VFD là 20% (cả cho giải VĐQG và ĐTQG) đã chơi khó đối tác. Hiện VFD chỉ đồng ý nhận lời nếu hoa hồng tối đa 15% và nhận được lịch thi đấu, tập huấn trước tháng 4.

Khả năng của Ban Tiếp thị kém tài thì mọi người đều đã biết nhưng cũng cần phải nói thêm đến sự chồng chéo, thiếu hợp tác chặt chẽ với Ban Tiếp thị của các phòng ban khác như Tổ chức thi đấu, Các ĐTQG, Bóng đá nữ. Cuối tháng 3, nhà môi giới tài trợ VFD hỏi đến lịch thi đấu giải VĐQG và lịch tập huấn của ĐTQG đã nhận được sự đùn đẩy của hết ban này đến ban kia và cuối cùng là câu trả lời “chưa có”. Đây chính là câu trả lời cho nguyên nhân dẫn đến “cái vòng luẩn quẩn” của bóng đá nữ: VFF làm việc thiếu hiệu quả- thiếu tiền – thiếu đầu tư – chất lượng không cao – thiếu sự quan tâm của khán giả và UBTDTT.

AN HƯNG

Tin cùng chuyên mục