Giằng co cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria

Gần 1 tháng kể từ khi chiến dịch tái chiếm Mosul-thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq-được tiến hành, dù đã có nhiều bước tiến đáng kể nhưng các lực lượng của Iraq đang gặp những khó khăn nhất định trên thực địa. Trong khi đó, việc tấn công vào Raqqa, cứ địa của IS ở Syria, không dễ dàng.
Giằng co cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria

Gần 1 tháng kể từ khi chiến dịch tái chiếm Mosul-thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq-được tiến hành, dù đã có nhiều bước tiến đáng kể nhưng các lực lượng của Iraq đang gặp những khó khăn nhất định trên thực địa. Trong khi đó, việc tấn công vào Raqqa, cứ địa của IS ở Syria, không dễ dàng.

Các lực lượng của Iraq phát hiện một đường hầm của IS tại TP Mosul

Nỗi lo phục kích

Hãng Reuters dẫn lời Trung tướng Abdul Wahab al-Saidi thuộc Lực lượng chống khủng bố Iraq cho hay các lực lượng Iraq dưới sự hỗ trợ của liên quân của Mỹ và phương Tây đã kiểm soát được gần 1/4 trong tổng số 50 quận ở phía Đông Mosul. Tuy nhiên, việc IS sử dụng hệ thống đường hầm xung quanh TP để thực hiện các cuộc phục kích, tấn công bất ngờ gây rất nhiều khó khăn cho quân đội và các lực lượng của Iraq. Nhiều khu vực sau khi nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Iraq lại bị IS tấn công quyết liệt đoạt lại nên phải mất thêm nhiều thời gian để tái chiếm.

Chưa hết, 1,5 triệu dân thường vẫn đang sinh sống tại Mosul là một thử thách lớn đối với quân đội Iraq trong việc tấn công IS. “Nhiều phần tử IS trốn trên mái nhà mà ở dưới các gia đình vẫn đang sinh sống. Điều này đồng nghĩa với việc phải tìm cách tấn công hợp lý để làm sao tiêu diệt được phần tử khủng bố mà vẫn phải đảm bảo được an toàn cho người dân”, Trung tướng al-Saidi nói. Điều khiến Chính phủ Iraq và dư luận quốc tế quan ngại nhất lúc này là việc IS sử dụng dân thường làm lá chắn sống để ngăn cản bước tiến của các lực lượng Iraq tại Mosul.

Dù gặp không ít khó khăn trên thực địa, chiến dịch giải phóng thành trì của IS tại Iraq vẫn có được những bước tiến. Quân đội và lực lượng an ninh Iraq giành được lợi thế ở các mặt trận phía Nam và Bắc Mosul và đang đặt mục tiêu mở thêm các mặt trận mới chọc sâu vào trung tâm Mosul, gây sức ép lên IS. Trong khi đó, ở vòng  ngoài Mosul, lực lượng vũ trang người Kurd cũng đang kiểm soát khu vực Đông Bắc, trong khi lực lượng bán dân quân Shiite đã được triển khai ở phía Tây, bao vây IS.

Rối rắm phe nhóm

Giới quan sát nhận định đánh Mosul đã là việc không dễ, đụng vào Raqqa còn gian nan gấp bội vì tình hình Syria phức tạp hơn Iraq rất nhiều. Vấn đề đầu tiên là nếu đánh vào Raqqa, tức là tại Syria, nơi có vô số các nhóm vũ trang khác nhau, lại được các cường quốc khác nhau ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp, rất khó chọn phe nào làm lực lượng chủ đạo. Ví dụ như lực lượng Dân chủ Syria, một liên minh người Kurd và Arập do Mỹ hỗ trợ và phiến quân Syria thuộc tổ chức Quân đội Syria tự do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Câu hỏi then chốt là ai sẽ chỉ huy chiến dịch Raqqa, và sẽ huy động các lực lượng nào. Theo một quan chức quân đội Mỹ, việc tái chiếm Raqqa phải do một lực lượng Arập tiến hành. Nhiều nguồn tin khác khẳng định là không thể để lực lượng người Kurd ở Syria đi vào một thành phố 200.000 dân mà đa số là người Hồi giáo dòng Sunni.

Họ có đủ người để tấn công hay không? Giới chức quân sự khẳng định là có đủ, nhưng sự đối nghịch giữa các lực lượng dân quân người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ khiến 2 lực lượng này không thể nào hợp tác được với nhau. Đó là chưa kể đến thái độ của Nga, cường quốc đóng vai trò quan trọng trong hồ sơ Syria, trong cuộc tấn công tại Raqqa. Vì lẽ đó, đến nay, các quan chức lãnh đạo liên minh quốc tế chống IS tại Syria do Mỹ dẫn đầu vẫn chưa có lịch trình cụ thể cho chiến dịch giải phóng Raqqa.

Khi mà cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Syria vẫn trong thế giằng co, IS vẫn tiếp tục gieo rắc tội ác, gây bao nỗi kinh hoàng cho cuộc sống người dân tại những nơi chúng xuất hiện. Mới nhất, ngày 13-11, IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tại thánh đường Hồi giáo Shah Noorani ở tỉnh Balochistan, miền Nam Pakistan hôm 12-11 làm hơn 52 người chết, 105 người khác bị thương. Vào tháng trước, IS cũng đã tấn công vào một học viện cảnh sát tại tỉnh này khiến gần 60 người thiệt mạng. Tội ác của IS không chỉ dừng lại ở các cuộc đánh bom. Một báo cáo mới đây của Liên hiệp quốc cho biết IS có thể đang tàng trữ cũng như thực hiện các vụ tấn công hóa học tại khu vực xung quanh TP Mosul.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục