Giao dịch – chuyện thường ngày

Giao dịch – chuyện thường ngày

Sáng nay, tôi dự cuộc họp của các cựu Thiếu sinh quân Khu 9 thời chống Pháp. Bây giờ, họ đã trở thành các cụ, chị trẻ nhất cũng đã có cháu nội. Họ chuyện trò vui vẻ. Những hồi ức thời “bò chét”, “mén” làm cho tuổi già của họ như biến đi đâu mất.

Giao dịch – chuyện thường ngày ảnh 1

Nhập giá đặt mua cổ phiếu tại phiên đấu giá bán cổ phần Công ty Camimex.
Ảnh: CAO THĂNG

Qua câu chuyện của họ, tôi mới biết trong số các cựu Thiếu sinh quân này có người là nhạc sĩ đã sáng tác hàng chục bài hát, có bài hát “Con tàu không số” về cuộc vận chuyển từ Bắc vào Nam có một không hai, bài hát rất hay mà người hát cũng tuyệt vời; có cụ làm ở ngành tài chính, ở ngành công an, còn có cả cụ làm thị trường chứng khoán (TTCK) ở “Thủ đô ánh sáng” (Paris – NV) trong thời gian khá dài.

Một cụ bảo với tôi: “Sáng nay, trước khi tới đây, tôi đã đến Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM. Dường như tôi bị bệnh nghề nghiệp. Ở đâu có TTCK thế nào tôi cũng ghé coi, để có không khí!”. Rồi ông nói tiếp: “Ở Pháp, trong cuốn “Lịch sử TTCK Paris” tôi đã đọc, nó cũng có buổi khơi mào như ở ta. Chắc là hồi đó người ta cũng làm như chúng ta hiện nay”.

Ông nói rằng ở TTCK các nước, các nhà đầu tư cỡ lớn mua cổ phiếu để nhảy vào công ty niêm yết, hoặc công ty niêm yết này mua của công ty niêm yết khác để giữ cổ phần chi phối… Ở nước ta có nhiều nhà đầu tư cỡ lớn nhưng cũng có không ít người mua bán cổ phiếu “cò con” kiếm lời. Có điều, những tin “đồn” ở thành phố ta khá đặc biệt, chỉ cần phát ra là có người hưởng ứng và tin ngay. Cái tật ấy chẳng biết có từ đời nào, cũng dễ thương nhưng gây phiền toái cũng không ít.

Ông hé lộ: “Cái tin người đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu với số lượng lớn là có thật. Nhưng, họ khôn lắm, tôi biết họ đang xem xét và thăm dò, họ muốn khác hơn những điều chúng ta biết. Tất nhiên, bất kỳ ai cũng muốn kiếm lời, nhưng nhà đầu tư có đầu óc, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua cổ phiếu, để cuối cùng điều khiển công ty theo cái cách mà họ biết chắc là sẽ có lợi lớn. Như vậy, theo tôi, nhà đầu tư nước ngoài đang dòm ngó những công ty niêm yết có tiềm năng lâu dài, tầm ngắm của họ đã để trên “đầu ruồi”.

Nhưng, khi nào bóp cò cho viên đạn bắn đi lại là một nghệ thuật. Trước đây, cũng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu khi giá có khả năng đi lên… Nay thì họ sẵn sàng mua cả khi giá cổ phiếu đang đi xuống. Ai cũng biết cổ phiếu đi xuống là công ty niêm yết đang có chuyện hoặc bị tung tin xấu. Nhà đầu tư có đầu óc họ không quan tâm đến tin đồn mà họ xem xét rất kỹ báo cáo tài chính và tình hình quản lý của công ty đó ra sao, rồi mới có quyết định”.

Ông bạn cựu Thiếu sinh quân của tôi quả rất có nghề. Tôi bèn trở lại TTCK ở Paris do ai quản lý. Ông nói: “Đó là một thị trường tập thể như một hợp tác xã của ta. Nói chính xác hơn, đó là sân chơi của các nhà môi giới chứng khoán”. Tôi ngạc nhiên, thắc mắc: “Hóa ra, đó là một thị trường mà sở hữu thuộc về tập thể à?”.

Ông bạn của tôi cười: “Nè, chắc là ông nghĩ như Saigon Co-op của bà Nghĩa, phải không?”. Tôi thừa nhận rằng mình nghĩ như vậy. Ông bạn tôi giải thích: “Đó là một cơ chế tài chính cao cấp, do những nhà tư bản lớn lập ra. Họ là những nhà môi giới, lập ra các điểm giao dịch chứng khoán (như các trung tâm giao dịch chứng khoán của ta), độc quyền kinh doanh (mua và bán) chứng khoán cho chính họ. Mà, ông biết ở đó vốn ra và vốn vào không phải là một vài trăm ngàn đô-la (tất nhiên cũng có cỡ đó), mà là triệu, chục triệu, có khi cả trăm triệu đô-la Mỹ.

LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục