Hôm nay học sinh Nga bắt đầu nộp hồ sơ vào đại học và các em đang rất băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời. Mặc dù nước Nga có nhiều trường đại học danh tiếng và thu hút số lượng lớn sinh viên nước ngoài nhưng trong bảng xếp hạng năm nay không có một trường nào của Nga lọt vào tốp 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Năm ngoái trường đại học hàng đầu Lomonosov còn đứng thứ 33. Điều này làm giới chuyên môn của Nga thất vọng và họ đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho đó là hậu quả của chảy máu chất xám, của việc đầu tư chưa xứng tầm... Nhưng ý kiến của Giám đốc Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế tại Boston College Philip Altbach do báo Rossiyskaya Gazeta (báo Nga) trích dẫn đang lấy lại niềm tin cho các nhà giáo dục Nga. Ông Philip cho rằng, trên thực tế không cần quan tâm đến bảng xếp hạng vì có một số tiêu chí lại không thuộc về chuyên môn.
Theo Philip, một tiêu chí trong bảng xếp hạng rất quan trọng là dựa trên các tác phẩm khoa học đăng trên các ấn phẩm bằng tiếng Anh và đó là lý do tại sao đa số các trường đại học trong tốp 100 đều thuộc các nước nói tiếng Anh. Ngoài ra, một tiêu chí quan trọng hơn đã đẩy các trường đại học Nga ra khỏi những vị trí hàng đầu là mức lương cho giáo sư đại học. Theo báo cáo so sánh mức lương giáo sư đại học ở 28 quốc gia trên thế giới, Nga là nước xếp gần cuối bảng, chỉ cao hơn Armenia. Các tính toán dựa trên tiền lương tương quan với GDP và mức lương trung bình trong nước. Tốp 5 gồm Canada, Italia, Nam Phi, Ấn Độ và Mỹ. Lương giáo sư đại học ở các nước này khoảng 4.000 - 6.000 USD/tháng, còn ở Nga chỉ 1.000 USD.
Các chuyên gia cũng khẳng định rằng Nga có một di sản nghiên cứu khoa học khổng lồ và hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới, tuy nhiên lại có phần cách biệt. Ví dụ đơn giản là số lượng ít các sinh viên Nga nói tiếng Anh tốt và các khóa học bằng tiếng Anh còn ít hơn. Trong khi đó, những yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi học thuật và thu hút sinh viên cùng giáo sư nước ngoài. Trường hợp tương tự cũng xảy ra trong việc đăng các tác phẩm xuất sắc của mình trên những tạp chí khoa học. Các nhà nghiên cứu Nga thường chỉ đăng các bài viết của mình trên tạp chí khoa học uy tín của Nga nhưng họ lại bị mất tên trên bảng xếp hạng quốc tế vì đơn giản họ không đăng trên các ấn phẩm tiếng Anh.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu chính sách miễn phí giáo dục đại học mà Nga đang áp dụng có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học? Jamil Salmi, Giám đốc Trung tâm Điều phối giáo dục Đông Âu của Ngân hàng Thế giới, cho rằng, giáo dục đại học về cơ bản nên được miễn phí như là một lợi ích có tầm quan trọng to lớn cho kinh tế, xã hội của đất nước. Rõ ràng giáo dục đại học Nga đang đi đúng hướng.
Vậy các tiêu chuẩn để vào tốp đầu dường như không quá phức tạp, nên các chuyên gia cũng băn khoăn: Với nền giáo dục đại học hiện nay, Nga có bằng mọi giá phải điều chỉnh để vào tốp đầu không. Bộ Giáo dục và Khoa học Nga khẳng định sẽ tạo hệ thống xếp hạng của riêng mình. Dù các chuyên gia đang tranh cãi nhưng Chính phủ Nga đã quyết định giáo dục đại học Nga phải đạt được vị trí cao trong thị trường giáo dục quốc tế. Tháng 8 năm ngoái, khi còn là thủ tướng, ông Putin hứa cấp 70 tỷ rúp (2,38 tỷ USD) cho việc cải tiến giáo dục đại học Nga trong vòng 5 năm .
Hòa Bình