Xã hội Nhật Bản xem bữa ăn là cơ hội cung cấp kiến thức dinh dưỡng, đẩy lùi các vấn đề sức khỏe cho trẻ em, học sinh. Vào năm 2003, sau một cuộc khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia, phát hiện tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng, nhiều người trẻ bỏ bữa sáng, người Nhật nhận ra cần hành động để thay đổi thói quen ăn uống. Ngay lập tức, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về giáo dục thực phẩm vào tháng 6-2005 tại nhà trường, thông qua các bữa ăn trưa. Học sinh được tham gia vào việc chuẩn bị bữa trưa, luân phiên phục vụ thức ăn cho thầy cô và bạn học mỗi ngày (ảnh). Trong khi ăn, học sinh học về dinh dưỡng. Học sinh nghiên cứu môn học này từ lớp 5 đến lớp 12. Nhiều trường học có vườn và tự trồng lúa.
Nhận thấy như thế vẫn chưa đủ, Chính phủ Nhật Bản đã tính đến phương án giáo dục kiến thức về thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ em nghèo bên ngoài học đường. Theo báo Japantimes, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đang xem xét áp dụng trong năm tới, thúc đẩy một chương trình giáo dục chế độ dinh dưỡng tại các nhà ăn cho trẻ em nghèo, được gọi là kodomo shokudo, do các tổ chức phi lợi nhuận hoặc của các cư dân địa phương tự đứng ra phát động từ năm 2013. Theo đó, sẽ tạo điều kiện cho trẻ em cơ hội được ăn bữa chính với người của quán. Các em sẽ được quây quần bên bàn ăn với các tình nguyện viên của nhà ăn, được trao đổi trong bầu không khí ấm cúng, thân tình... Hơn một nửa số gia đình đơn thân Nhật Bản được cho là sống dưới mức nghèo khổ. Những bà mẹ đơn thân với mức lương trung bình mỗi tháng là 150.000 yen (1.479 USD), được nhận khoản hỗ trợ tương đối hạn chế từ các chương trình phúc lợi xã hội. Mặc dù kodomo shokudo được xem là giải pháp tạm thời nhằm đối phó với tỷ lệ trẻ em nghèo ngày càng tăng ở quốc gia giàu có này, nhưng theo kế hoạch kéo dài 5 năm trên, trẻ em nghèo không những được giúp đỡ bữa ăn mà còn được truyền kiến thức về thực phẩm, về dinh dưỡng hợp lý, phương pháp nấu ăn thích hợp với lối sống ngày càng đa dạng và hiện đại như hiện nay.
Mô hình kodomo shokudo đang được phổ biến khắp nước Nhật với hy vọng giải quyết các vấn đề như đảm bảo bữa ăn cho trẻ em nghèo hay những em có cha mẹ thường xuyên đi làm về muộn. Hiện có khoảng 320 địa điểm phục vụ các bữa ăn miễn phí hoặc với chi phí thấp trên khắp Nhật Bản. Bữa ăn do cư dân địa phương và các nhà máy chế biến thực phẩm cung cấp. Một số nơi mở cửa 1 - 2 lần mỗi tuần, có nơi 1 - 2 lần mỗi tháng. Ngoài những trường hợp trẻ em nghèo được miễn phí bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, mỗi đứa trẻ đến đây ăn chỉ vì không muốn ăn tối một mình khi cha mẹ đi làm về muộn chỉ phải trả tối đa 300 yen (gần 3 USD) cho một bữa tối như vậy.
Hiểu biết về các vấn đề dinh dưỡng nên được củng cố bằng cách tận dụng mọi cơ hội sẵn có ở nhà, ở trường, nơi công cộng hoặc bất cứ đâu. Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản hy vọng mô hình kodomo shokudo còn giúp trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo vốn hay mặc cảm, cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình khi các em trao đổi các đề tài xoay quanh bữa ăn.
HẠNH CHI