Với chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” (Reviving and Reshaping), Giải thưởng VinFuture 2022 tìm kiếm và vinh danh các công trình khoa học - công nghệ kiệt xuất có tác động tích cực trong và sau đại dịch, giúp phát triển bền vững đời sống của hàng triệu người trên khắp hành tinh. Đã có gần 1.000 dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ của 71 quốc gia trên 6 châu lục được đề cử (so với 599 đề cử của năm 2021). Trong đó, 584 dự án do 2% số nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới đề cử. Đây là những phát minh, sáng chế trong các lĩnh vực: sức khỏe, lương thực, môi trường và năng lượng bền vững cùng với nhiều công nghệ ứng dụng khác trong mọi mặt của đời sống. Trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt tại Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng, 4 công trình khoa học xuất sắc nhất sẽ được vinh danh vào tối 20-12 tới.
Tại buổi giao lưu, các nhà khoa học là thành viên của Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture 2022, như: TS Xuedong Huang (Tập đoàn Microsoft), GS Jennifer Tour Chayes (Đại học Berkeley, California, Hoa Kỳ), GS Leslie Valiant (Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard, Hoa Kỳ), GS Kostya S.Novoselov (Đại học Manchester và Đại học quốc gia Singapore); GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale, đồng thời là Giám đốc Khoa học VinBigData), GS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ)… đã trực tiếp chia sẻ với các nhà khoa học, giới doanh nhân, các nhà quản lý chính sách hàng đầu cùng những sinh viên tài năng của Việt Nam về những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp làm khoa học của mình qua các vấn đề: toàn cầu hóa trong khoa học và công nghệ; hành trình của nhà khoa học nữ - thách thức và thành công; thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển.