
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một trong những mục tiêu cốt lõi của nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhấn mạnh, cuộc chiến ngày nay không còn là chiến tranh bằng vũ khí quân sự như quá khứ, mà là cuộc chiến về tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực về trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu năm 1945, Việt Nam cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới.
Nếu Việt Nam không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này.

Các ý kiến chuyên gia, nhà quản lý tại tọa đàm cũng khẳng định, ứng dụng KH-CN, AI không chỉ là một xu hướng, mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cải tổ để cung cấp cho thế hệ trẻ các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Các đại biểu cùng đồng thuận cần chân dung nhân lực mới - có thể gọi là “kỹ sư 57”. Các kỹ sư này cần không chỉ có kiến thức công nghệ mà còn phải có kỹ năng thực tiễn để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.
Với mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, các học viện, đại học đã ký kết thành lập và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
Đại diện 5 học viện, đại học và trường đại học hàng đầu đã tham gia ký kết gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT.
Mục tiêu đến 2045, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà quản trị và nhà khoa học tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên KH-CN.