
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, sáng 8-5, Quốc hội đã nghe ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã có một số quy định nhằm thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo luật cũng đã có các quy định nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, theo đó áp dụng nguyên tắc “hóa học xanh” trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị. Cũng nhằm hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, dự thảo luật quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm hóa chất cơ bản, sản phẩm hóa dầu, hóa dược, phân bón, dự án đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất… để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.
Vẫn theo ông Lê Quang Huy, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, theo đó toàn bộ chế độ báo cáo, quy định về công bố thông tin của các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành hóa chất, hình thành cơ sở dữ liệu lớn về hóa chất phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính như cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ tư vấn chuyên ngành hóa chất, khai báo hóa chất được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành hoặc cổng thông tin một cửa quốc gia.

Dự thảo luật cũng đã phân cấp cho địa phương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện; giấy chứng nhận đủ điều kiện dịch vụ tồn trữ hóa chất; thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Chính phủ… Các quy định nêu trên đã được xây dựng phù hợp với định hướng thực hiện chủ trương bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.
Liên quan đến nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại kỳ họp trước là phòng tránh sự cố hóa chất, ảnh hưởng của hóa chất đến môi trường, dự thảo luật đã dành chương VI về an toàn hóa chất, trong đó quy định rõ các cơ sở sản xuất, tồn trữ hóa chất phải thực hiện các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất; quy định về kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đáp ứng quy định về khoảng cách an toàn, huấn luyện an toàn hóa chất.
Đồng thời, chương VII của dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và an toàn cộng đồng.
Đáng lưu ý, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động hóa chất, theo đó đã bao gồm cả các đối tượng hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất quy mô nhỏ và các hoạt động sử dụng hóa chất trong các ngành nghề thủ công truyền thống, đăng ký và quản lý hóa chất mới.
Đối với các sản phẩm thuốc phóng, thuốc nổ, các đối tượng này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Các tiền chất thuốc nổ tùy theo mức độ rủi ro về an toàn, an ninh thì sẽ được xem xét đưa vào các danh mục quản lý tương ứng theo quy định của luật này, thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.